Tóm tắt: Tình trạng sạt lở bờ biển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra với tần suất nhiều hơn, mức độ thiệt hại nghiêm trọng hơn. Loại hình thiên tai này ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, tài sản, sinh kế của người dân và là đối tượng nghiên cứu của nhiều đề tài, dự án. Viễn thám là một trong số phương pháp được lựa chọn để phân tích sự thay đổi đường bờ qua các năm. Trong nghiên cứu này, ảnh viễn thám Landsat 8 được kết hợp với công cụ DSAS tích hợp trong phần mềm ArcGIS để làm rõ biến động đường bờ cùng tình trạng sạt lở diễn ra tại vùng ven bờ biển từ Tiền Giang tới Sóc Trăng giai đoạn 2021-2023. Kết quả phân tích cho thấy, khoảng 63,71% chiều dài đường bờ bị xói lở ở giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo 2022-2023, con số này giảm còn 59,03%. Điều này cho thấy phạm vi xói lở gần như tương đương ở hai giai đoạn nhưng có xu hướng giảm nhẹ. Cùng với đó, so sánh kết quả với giai đoạn 2016-2020, có thể nhận thấy ở giai đoạn 2021-2023 các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng có tốc độ xói lở giảm nhẹ, trong khi tỉnh Trà Vinh có xu hướng xói lở tăng nhanh. Kết quả là cơ sở để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ biển, giảm thiểu tác động của sạt lở, bảo vệ an toàn cho người dân và sinh kế người dân. Từ khóa: Viễn thám; Phân tích đường bờ; Bồi/xói; Đồng bằng sông Cửu Long.