Mục tiêu: Mô tả một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng áp xe trung thất do thủng thực quản. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu các trường hợp chẩn đoán áp xe trung thất do tổn thương thực quản được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 9/2016 đến 9/2019, bao gồm các trường hợp tử vong, cho về. Chẩn đoán theo tiêu chuẩn của Estrera (1983), phân loại theo Endo S (1999). Kết quả: Tổng số có 40 trường hợp, tuổi trung bình: 48,5 ± 17,74 tuổi, nam giới chiếm 82,5%. Nguyên nhân tổn thương thực quản do chấn thương chiếm 80%, chủ yếu hóc xương; do bệnh lý 20%, trong đó hội chứng Boerhaave chiếm 62,5%. Vị trí tổn thương hay gặp nhất ở 1/3 trên (thực quản cổ) chiếm 70%, thực quản ngực (1/3 giữa) chiếm 12,5% và thực quản ngực (1/3 dưới) 17,5%. Phân độ theo Endo: Type I: 28 bệnh nhân chiếm 70%, không có type IIa, type IIb có 12 trường hợp, chiếm 30%. Dấu hiệu lâm sàng chính: Nuốt khó 35%, đau ngực 42,5%, sốt và khó thở 75%. Khám tại chỗ: Đau máng cảnh 47,5%, mất lọc cọc thanh quản - cột sống 52,5%, tràn khí dưới da 50%. Hình ảnh X-quang: Cắt lớp vi tính có độ nhạy và đặc hiệu cao, dịch khí trung thất (97,5%), hình ảnh thâm nhiễm (95%). 25/40 trường hợp phân lập được vi khuẩn/nấm (62,5%). Vi khuẩn Gram (+) phổ biến Streptococcus species (44%), Enterococcus faecalis (24%), vi khuẩn Gram (-) phổ biến Acinetobacter baumannii (24%), Klebsiella pneumoniae (12%), Pseudomonas aeruginosa (8%). Nấm: Phân lập được 6/24 trường hợp chiếm 25%. Kết luận: Áp xe trung thất do thủng thực quản là biến chứng nhiễm khuẩn nặng, với đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng đặc trưng.