Mục tiêu: Xác định tỷ lệ khảm theo các phân loại ở phôi nang và phân tích một số yếu tố liên quan đến tình trạng khảm ở phôi trên 655 phôi nang của những cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) làm xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A) bằng phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới (NGS). Phương pháp: nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội từ 3/2021-2/2022. Kết quả: Tỷ lệ phôi khảm là 27,48%; khảm 1 cặp nhiễm sắc thể (NST), 2 cặp NST và từ 3 cặp NST trở lên với tỷ lệ lần lượt là 11,76%; 7,32% và 8,40%. Phần lớn là khảm lệch bội NST chiếm tỷ lệ 20,46%; khảm cấu trúc NST là 3,81% và khảm hỗ hợp là 3,21%. Tỷ lệ phôi khảm mức độ thấp là 11,30% và khảm mức độ cao là 16,18%. Số lượng khảm cao ở tế bào lá nuôi (TE) loại B cao gấp 3,06 lần so với số lượng khảm cao ở TE loại A có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Không thấy mối liên quan giữa các đặc điểm lâm sàng như tuổi mẹ, tuổi bố, chỉ số khối cơ thể, số ngày kích thích buồng trứng, tổng liều gonadotropin và các đặc điểm hình thái khác của phôi với tỷ lệ khảm, cũng như nguy cơ về mức độ khảm của phôi. Kết luận: Đặc điểm TE có thể có liên quan đến mức độ khảm ở phôi nang trước làm tổ.