Nghiên cứu này nhằm mục đích loại bỏ Cr(VI) trong nước bằng than sinh học (TSH) từ xiên que tre đã qua sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy bề mặt của TSH thu được khi nhiệt phân xiên que tre ở 500oC có cấu trúc lỗ xốp phức tạp với nhiều vi lỗ kích thước khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp phụ Cr(VI). TSH thu được có thể loại bỏ Cr(VI) ở nồng độ 40 mg/L với hiệu suất hấp phụ >99% ở điều kiện pH 2, 0,6 g TSH, 50 mL dung dịch trong thời gian 105 phút. Nghiên cứu xây dựng mô hình đẳng nhiệt cho thấy quá trình hấp phụ Cr(VI) bằng than tre phù hợp với mô hình hấp phụ đơn lớp Langmuir với dung lượng hấp phụ cực đại là 6,26 mg/g; và mô hình động học biểu kiến bậc 2 phù hợp để giải thích động học quá trình hấp phụ Cr(VI) lên TSH. Nghiên cứu đã bước đầu khẳng định vật liệu hấp phụ chế tạo từ xiên que đã qua sử dụng có tiềm năng rất lớn trong loại bỏ Cr(VI) trong môi trường nước.