Nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của môi trường dinh dưỡng và độ mặn đến sinh trưởng của vi tảo Nannochloropsis oculata. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong 3 môi trường dinh dưỡng F/2, Walne, TT3 thì tảo Nannochloropsis oculata nuôi ở môi trường F/2 đạt mật độ cực đại cao nhất và sớm nhất ở ngày nuôi thứ 10, có pha cân bằng ổn định. Tảo nuôi ở môi trường Walne đạt mật độ cực đại chậm hơn 2 ngày, môi trường TT3 tảo đạt mật độ cực đại chậm hơn 3 ngày so với môi trường F/2, mật độ cực đại lần lượt là 316,55 ± 1,19 x104 tế bào/mL; 248,79 ± 1,19 x104 tế bào/mL; 223,22 ± 1,48 x104 tế bào/mL. Thí nghiệm nuôi tảo ở 4 mức độ mặn 20‰, 25‰, 30‰, 35‰ cho thấy tảo Nannochloropsis oculata ở độ mặn 30‰ đạt mật độ cực đại cao nhất và sớm nhất ở ngày nuôi thứ 9 (294,29 ± 1,01 x104 tế bào/mL), có pha cân bằng ổn định. Trong khi đó tảo ở độ mặn 35‰ đạt mật độ cực đại chậm hơn 1 ngày (275,14 ± 0,32 x104 tế bào/mL), độ mặn 20‰ và 25‰ tảo đạt mật độ cực đại lần lượt là 197,57 ± 0,64 x104 tế bào/mL, 214,35 ± 0,55 x104 tế bào/mL, chậm hơn 4 ngày so với mật độ tảo cực đại ở độ mặn 30‰.