Đặc vấn đề: Tăng áp động mạch phổi là một biến chứng tim mạch nguy hiểm gặp trên bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận định kỳ thông qua cầu nối động tĩnh mạch. Mục tiêu: Khảo sát tỷ lệ tăng áp động mạch phổi, các yếu tố liên quan đến tăng áp động mạch phổi trên bệnh nhân lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long năm 2023. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Có 105 bệnh nhân đang lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long từ tháng 8/2023 đến tháng 10/2023 đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu. Các thông số liên quan bao gồm bệnh nguyên phát, thời gian lọc máu, chiều cao, cân nặng, tăng cân giữa các lần lọc… Siêu âm tim Doppler được thực hiện sau khi chạy thận nhân tạo để đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Kết quả: Có 41% bệnh nhân lọc máu định kỳ bị tăng áp động mạch phổi. Tăng áp động mạch phổi có liên quan có ý nghĩa thống kê với Thời gian lọc máu (tháng) (p = 0,001), EF (%) (p = 0,02), Thời gian phẫu thuật cầu tay (FAV) (tháng) (p = 0,003) và số lượng thuốc tạo máu EPO sử dụng (UI/tuần) (p = 0,003). Áp lực động mạch phổi tâm thu có mối tương quan nghịch mức độ vừa, có ý nghĩa thống kê giữa với EF (r = -0,39), Hb (r = -0,348) và Hct (-0,304), và mức độ yếu với trọng lượng khô (r = -0,24), creatinin (r = -0,22). Phân suất tống máu (EF) (p = 0,03), Hemoglobin (g/L) (p = 0,04) và Hematocrit (%) (p = 0,02) liên quan có ý nghĩa thống kê với độ nặng của tăng áp động mạch phổi trên bệnh nhân lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Kết luận: Cần siêu âm đánh giá áp lực động mạch phổi và điều trị tích cực thiếu máu cho bệnh nhân lọc máu định kỳ.