Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling, viết tắt là BIM), một xu thế mới cho ngành xây dựng hiện nay, khi được ứng dụng trong các dự án đầu tư xây dựng đã cho thấy những ưu điểm vượt trội trong việc kết xuất khối lượng tự động. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do người dựng mô hình ban đầu thường là các họa viên, kỹ sư, kiến trúc sư, kiến thức chuyên sâu về dự toán không phải là thế mạnh của họ, vì vậy họ quan tâm chủ yếu đến hình khối kết cấu, kiến trúc v.v. mà chưa quan tâm đến các thông tin phục vụ đo bóc khối lượng và lập dự toán. Do đó, mô hình BIM được họ dựng lên khi sử dụng để xuất khối lượng cho kết quả khối lượng chưa phù hợp với yêu cầu bóc tách khối lượng từ các hướng dẫn, quy định về đo bóc khối lượng hiện nay, cần được điều chỉnh thủ công, dẫn đến giảm độ chính xác và năng suất bóc tách, mà các công cụ hỗ trợ dựng mô hình và bóc khối lượng từ mô hình BIM phổ biến hiện nay chưa giải quyết được vấn đề này. Bài báo đề xuất một số quy tắc cần tuân thủ khi tạo lập mô hình BIM dành cho người dựng mô hình, để giảm nhẹ khối lượng điều chỉnh mô hình, bổ sung thông tin sau này cho người bóc tách khối lượng. Các quy tắc này không quá phức tạp để làm giảm năng suất và hiệu quả của những người dựng mô hình ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo giảm được đáng kể khối lượng xử lý, điều chỉnh mô hình cho người bóc tách khối lượng, từ đó tăng được tốc độ và hiệu quả chung khi áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam.
Từ khóa:
dự án sử dụng vốn nhà nước; mô hình thông tin công trình; đo bóc khối lượng; đối tượng BIM.