Đặt vấn đề: Hồng ban nút (HBN) là biểu hiện phổ biến nhất của viêm vách mô mỡ, là một dạng phản ứng tăng nhạy khởi phát bởi nhiễm trùng, thai kỳ, thuốc, bệnh mô liên kết hoặc bệnh ác tính. Việc tiếp cận dựa trên triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và tiền sử từng người bệnh để định hướng các xét nghiệm cần thiết, giúp hướng tới chẩn đoán bệnh là rất quan trọng. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và đánh giá khả năng đáp ứng điều trị ở bệnh nhân. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân hồng ban nút tại Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM và khảo sát một số yếu tố liên quan đến khả năng đáp ứng điều trị trên đối tượng nghiên cứu. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả loạt ca được thực hiện trên tất cả đối tương bệnh nhân mắc hồng ban nút điều trị trong khoảng thời gian từ 08/2021 đến 03/2023 tại bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả: Trong số 42 người tham gia, chủ yếu là nữ (nữ/nam = 5/1) với độ tuổi trung bình là 38,6 tuổi (từ 18 đến 72 tuổi). Biểu hiện lâm sàng bao gồm đau tại chỗ (100%), sốt (33,3%), đau khớp (14,3%), mệt mỏi (9,5%), chán ăn và ngứa (2,4%). Ngoài ra, 25% biểu hiện các triệu chứng liên quan như loét miệng và nổi hạch, loét sinh dục, khó thở và tiêu chảy, lở miệng và tiêu chảy. Đánh giá cận lâm sàng cho thấy tốc độ lắng hồng cầu (VS) và protein viêm phản ứng (CRP) tăng cao. Đáng chú ý, phân tích cho thấy tiền sử bệnh có liên quan đến đáp ứng điều trị ở bệnh nhân HBN. Kết luận: Nghiên cứu của chúng tôi đã phân tích các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng đặc trưng của bệnh nhân mắc bệnh HBN. Bệnh nhân HBN có độ tuổi trung bình là 38,6 ± 13,95 tuổi, nữ giới chiếm ưu thế. Vị trí nổi ban thường gặp là cẳng chân, cánh tay, bụng và đùi. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau tại chỗ, sốt, và đau khớp. Bệnh nhân cũng có các thay đổi trong công thức máu và phản ứng viêm.