Lúa rẫy là giống lúa được canh tác trên vùng cao, trong điều kiện hạn chế nước tưới. Đây là nguồn gene quý để nghiên cứu về đặc tính kháng hạn, tuy nhiên ít được quan tâm và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và khảo sát đặc tính hình thái được thực hiện nhằm tìm ra các đặc tính quý mà các nhà chọn giống quan tâm, và cung cấp thông tin cho công tác bảo tồn nguồn gene quý. Sau khi khảo nghiệm 147 giống lúa rẫy, kết quả chọn được 15 giống ưu tú với đặc điểm sau: tất cả các giống đều có màu phiến lá xanh, gốc lá cờ thẳng, độ cứng thân ở mức cấp 1 và hạt không râu; trong đó chia được làm 4 phân nhóm dựa vào kiểu bông và độ trổ bông: nhóm 1 (Ba Cong, Kreng, Mơ Dai Tăng) có kiểu bông túm và trổ bông tốt; nhóm 2 (Bakelao, Cbr, Mơ Dai Gor, Nâm, San Dong và Thong Nong Ếpla) kiểu bông trung bình, độ trổ tốt; nhóm 3 (Gor, Lúa Thơm Rằn, Lúa Xăng, Lúa Dung) kiểu bông trung bình, độ trổ trung bình; nhóm 4 (Lúa đỏ và Pkoih) kiểu bông túm và độ trổ bông trung bình. Kết quả khảo sát đặc tính hình thái là bước đầu góp phần tuyển chọn được giống lúa có các đặc điểm tốt cho nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.