Mục tiêu: Đánh giá vai trò của tiểu cầu máu cuống rốn trong tiên lượng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh đẻ non.
Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả và theo dõi dọc có so sánh nhóm chứng. Đối tượng nghiên cứu bao gồm các trẻ sơ sinh đẻ non < 37 tuần và được làm xét nghiệm công thức máu cuống rốn ngay sau sinh tại Khoa Sản - Nhi sơ sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế từ tháng 04/2021 đến 07/2023. Nhóm bệnh (non tháng bệnh lý) bao gồm 38 trẻ có mắc bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh sớm và được điều trị tại Nhi sơ sinh. Nhóm chứng (non tháng bình thường) bao gồm 33 trẻ không mắc bệnh lý trong giai đoạn sơ sinh sớm và được nằm cùng mẹ tại khoa Sản. Qua thăm khám lâm sàng, theo dõi trong giai đoạn sơ sinh sớm và so sánh số lượng tiểu cầu máu cuống rốn của hai nhóm.
Kết quả: Nghiên cứu ghi nhận số lượng tiểu cầu của nhóm trẻ có cân nặng < 2500 g thấp hơn nhóm trẻ có cân nặng ≥ 2500 g lần lượt là 129.000/mm3 và 189.500/mm3 (p < 0,05); Chưa thấy sự khác biệt của số lượng tiểu cầu máu cuống rốn về các yếu tố như giới tính, phương pháp sinh, tuổi thai. Số lượng tiểu cầu máu cuống rốn của nhóm trẻ sơ sinh non tháng bệnh lý thấp hơn nhóm non tháng bình thường với số lượng lần lượt là 115.500/mm3 và 222.400/mm3 (p < 0,05); số lượng tiểu cầu máu cuống rốn giảm < 150.000/mm3 có nguy cơ mắc bệnh lý cao gấp 3,94 lần so với những trẻ có tiểu cầu ≥ 150.000/mm3 (p < 0,05).
Kết luận: Trẻ sơ sinh non tháng bệnh lý có số lượng tiểu cầu máu cuống rốn thấp hơn nhóm non tháng bình thường. Tiểu cầu máu cuống rốn được xem là một yếu tố tiên lượng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh đẻ non. Đây là một xét nghiệm đơn giản, có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế.