Đặt vấn đề: Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới, chiếm khoảng 15% trong tất cả các loại ung thư. Chẩn đoán xác định cần phải dựa vào nhiều yếu tố như: thăm khám trực tràng, PSA máu, kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt. Để chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt và tìm hiểu các mối tương quan giữa triệu chứng lâm sàng (thăm khám trực tràng), cận lâm sàng (PSA toàn phần, siêu âm) và kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân bướu tuyến tiền liệt có PSA cao trên 4ng/ml và mối tương quan giữa chúng trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: ghiên cứu cắt ngang, tiến cứu trên 112 bệnh nhân bướu tuyến tiền liệt đủ chỉ định sinh thiết từ tháng 03/2021 đến tháng 03/2023 tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Kết quả: Tuổi trung bình 71,48 ± 9,58 tuổi, nguyên nhân vào viện chủ yếu là tiểu khó 72,30%. PSA toàn phần trung bình là 97,77 ± 238,27ng/ml. Tỉ lệ phát hiện ung thư tuyến tiền liệt sau sinh thiết đạt 35,7% (40/112). Mức biệt hóa theo thang điểm Gleason độ ác tính cao chiếm 52,5%. Có 1 trường hợp chảy máu trực tràng nặng và 1 trường hợp tiểu máu nặng ổn định bằng điều trị nội khoa tích cực và truyền máu. Kết luận: Sinh thiết tuyến tiền liệt là phương pháp chính xác trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt và là một thủ thuật an toàn có thể áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế đủ điều kiện.