Thở máy là một giải pháp cần thiết để hỗ trợ hô hấp cho trẻ sơ sinh bị suy hô hấp. Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 518 trẻ sơ sinh suy hô hấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ tháng 05 đến 09/2023. Mục tiêu (1) Xác định tỷ lệ trẻ sơ sinh suy hô hấp có thở máy (2) Xác định tỷ lệ kết quả chăm sóc điều trị trẻ sơ sinh suy hô hấp thở máy (3) Xác định các yếu tố liên quan đến kết quả chăm sóc điều trị trẻ sơ sinh suy hô hấp thở máy. Kết quả: Trong tổng số 518 trẻ suy hô hấp: Có 8.3% thở máy xâm lấn và 14.3% thở máy không xâm lấn. Trong số 117 trẻ có thở máy: có 68.4% nằm viện ≥ 14 ngày; có 98.3% thở máy thành công (xuất viện ổn); có 53.8% trường hợp xảy ra biến cố bất lợi gồm: Tràn khí màng phổi 0.8%, Tụt nội khí quản 9.3%, Tổn thương niêm mạc đường hô hấp 9.3%, Thở máy kéo dài 35.6%, Tổn thương da 41.0%. Mô hình hồi quy đa biến ghi nhận các yếu tố liên quan đến biến cố bất lợi bao gồm tình trạng hô hấp khi nhập viện (PR = 0.65, p = 0.034); chiều dài trẻ (PR = 1.82, p = 0.007); đặt catheter tĩnh mạch trung tâm (PR = 2.88, p < 0.001). Kết luận: Các biến chứng trong quá trình thở máy cần được quan tâm hơn.