Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá mức độ ảnh hưởng của mật độ trùn, tỷ lệ phối trộn chất thải hữu cơ làm thức ăn cho trùn đến chất lượng phân trùn (PT); ảnh hưởng của PT đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loại rau ăn lá (rau muống-RM, cải xanh-CX, cải ngọt-CN); khả năng cải tạo đất phèn trong canh tác của PT. Đối với mật độ nuôi, hàm lượng C, N, P và K tổng số giữa các nghiệm thức lần lượt dao động trong khoảng 38,20-49,45%; 2,02-2,27%; 2,02-4,14% và 0,36-1,65%. Về tỉ lệ phối trộn thức ăn, kết quả phân tích C, N, P và K tổng số giữa các nghiệm thức lần lượt biến động từ 30,40-34,55%; 2,14-2,23%; 4,38-4,85% và 0,98-1,46%. Việc sử dụng PT trong canh tác RM, CX và CN đã giúp cải thiện sự sinh trưởng của cây, năng suất tổng lần lượt đạt 1,52-1,60 kg/m2; 1,52-1,60 kg/m2 và 0,98-1,10 kg/m2 cao hơn đáng kể so với không bón phân, nhưng vẫn thấp hơn so với bón phân hoá học. Fe2+ và Al3+ trong đất giảm đáng kể sau khi trồng rau bằng PT.