Mở đầu: Tình trạng viêm kéo dài gây nên các biến chứng mạch máu trong bệnh đái tháo đường. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tàn phế, tử vong. Xét nghiệm hs-CRP máu như một chỉ dấu sinh học hữu ích của tình trạng viêm mạch mạn tính, nhằm hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi điều trị và phát hiện biến chứng một cách hiệu quả cho bệnh nhân đái tháo đường typ 2.
Mục tiêu: Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ hs-CRP máu với các chỉ số xét nghiệm hóa sinh (glucose máu đói, HbA1c, lipid máu) trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2.
Đối tượng: 238 người chia 2 nhóm: Nhóm bệnh gồm 118 bệnh nhân đái tháo đường typ 2 và nhóm chứng gồm 120 người bình thường khỏe mạnh, có độ tuổi và giới tính tương đương với nhóm bệnh.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có đối chứng. Bệnh nhân được khám lâm sàng, khai thác tiền sử, bệnh sử, lấy máu tĩnh mạch lúc đói định lượng nồng độ hs-CRP, glucose, HbA1c, cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride. Chẩn đoán đái tháo đường typ 2 theo tiêu chuẩn của ADA 2020.
Kết quả: Nồng độ trung bình hs-CRP máu (mg/L) của nhóm bệnh và nhóm chứng lần lượt là 3,9 ± 1,7 so với 1,7 ± 1,1mg/L (p<0.001). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Bệnh nhân có nồng độ hs-CRP ở các mức độ nguy cơ cao và nguy cơ trung bình đối với bệnh tiểu đường typ 2 rất phổ biến (99,2%). Trong đó, tỷ lệ phần trăm bệnh nhân ở các mức cao, trung bình và thấp lần lượt là 72,9; 26,3 và 0,8. Nồng độ hs-CRP máu tương quan thuận với glucose, HbA1c, cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride, tương quan nghịch với HDL-C.
Kết luận: Nồng độ trung bình hs-CRP máu của người mắc đái tháo đường typ 2 cao hơn người không mắc đái tháo đường typ 2. Có mối tương quan thuận và có ý nghĩa thống kê giữa hs-CRP với glucose, HbA1c, cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride, tương quan nghịch với HDL-C.