Việc thi công hố đào sâu trong khu vực nền đất có tầng cát dày và mực nước ngầm cao, giải pháp thi công xử lý nước ngầm trong quá trình thi công sao cho không làm ảnh hưởng đến công trình xung quanh luôn là vấn đề khó khăn. Trong nghiên cứu này tập trung vào việc phân tích và đánh giá giải pháp áp dụng công nghệ khoan trộn vữa phun áp lực cao (Jet-grouting mixing) để xử lý toàn bộ nền đất bên dưới đáy hố đào làm giảm hệ số, thấm của nền đất nhằm ngăn chặn dòng thấm chảy vào trong hố đào. Kết quả phân tích ngược chuyển vị ngang của tường vây với mô hình đất Hardening-Soil (HS) cho kết quả phù hợp với kết quả quan trắc ứng với mô đun biến dạng của nền đất từ 2300NSPT đến 2600NSPT. Quá trình phân tích sự ảnh hưởng của lớp đất Jet-grouting bên dưới đáy hố đào (Jet-grouting slab, viết tắt là JGS) được tiến hành. Lớp JGS sẽ được phân tích theo 3 biến cần khảo sát: hệ số thấm k, chiều dày T, vị trí Z của lớp JGS so với mặt đáy hố đào. Kết quả phân tích cho thấy bộ 3 thông số khảo sát k, T, Z có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của lớp JGS bên dưới đáy hố đào, hệ số an toàn nhỏ nhất chống áp lực nước đẩy trồi [FSuplift] lên lớp JGS không phải là hằng số mà thay đổi phụ thuộc vào hệ số thấm k của lớp JGS, với giá trị k, T, Z thích hợp thì giải pháp tạo ra lớp JGS bên dưới đáy hố đào để ngăn chặn dòng thấm chảy vào trong hố đào là hoàn toàn khả thi và có thể làm giảm lưu lượng nước ngầm chảy thấm vào trong hố đào xuống khoảng 100 lần mà lớp JGS vẫn ổn định.