Đặt vấn đề: Nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hoá vẫn còn phổ biến ở nước ta và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mặc dù tỷ lệ tử vong do các bệnh nhiễm trùng này tương đối thấp nhưng các biến chứng không phải là hiếm. Vì vậy nghiên cứu tình hình nhiễm ký sinh trùng đường ruột và ảnh hưởng của chúng là điều cần thiết. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng và mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng trên bệnh nhân nội trú tại khoa Nội tiêu hóa - Huyết học lâm sàng bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Gồm 97 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng đường ruột bằng xét nghiệm soi phân trực tiếp, đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng, khảo sát yếu tố nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Kết quả: Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột là 20,61%. Trong các trường hợp đơn nhiễm, tỷ lệ nhiễm nấm hạt men là 7,21%, nhiễm giun móc là 3,09%, Entamoeba histolytica là 2,06%, giun lươn là 1,03%, Blastocystis hominis là 1,03%, Entamoeba coli là 1,03%, Candida sp là 1,03%. Tỷ lệ nhiễm Entamoeba histolytica và nấm hạt men là 1,03%, Blastocystis hominis và nấm hạt men là 3,09%. Bệnh nhân có đặc điểm lâm sàng đau bụng (75%), tiêu chảy (80%) và cận lâm sàng tăng eosinophil (65%). Kết luận: Nhiễm ký sinh trùng đường ruột chủ yếu là nấm hạt men, Blastocystis hominis, giun móc. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là đau bụng và tiêu chảy. Tăng eosinophil là dấu chứng gợi ý nhiễm ký sinh trùng đường ruột.