Trong mùa khô (tháng 4 năm 2014 và tháng 3 năm 2015), chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và đề tài độc lập mã số VAST-ĐLT.06/15-16 đã thực hiện 2 chuyến khảo sát nhằm mục đích điều tra sự lắng đọng và phân bố theo không gian, thời gian của hàm lượng trầm tích lơ lửng dưới sự chi phối chủ yếu bởi các quá trình thủy động lực như sóng, dòng chảy, lưu lượng nước sông. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát ảnh hưởng của dòng triều trong mối tương quan với hàm lượng trầm tích lơ lửng. Ba trạm đo liên tục trong 12 giờ các yếu tố trầm tích lơ lửng, mực nước và dòng chảy được đặt trên thềm châu thổ (topset) ở độ sâu 8 m, sườn châu thổ (foreset) ở độ sâu 15 m và chân châu thổ (bottomset) ở độ sâu 25 m, các trạm được đặt cách nhau 3 km. Trong đó, nồng độ trầm tích lơ lửng (SSCs) trong giới hạn kích thước hạt từ 1,25 µm đến 250 µm và đường kính hạt được đo bằng máy LISST-25X (Suspended Sediment Sensor), mực nước, vận tốc và hướng dòng chảy được đo bằng máy ADCP. Kết quả phân tích số liệu cho thấy phân bố đường kính hạt của trầm tích lơ lửng theo thời gian trên thềm châu thổ, sườn châu thổ, chân châu thổ là khác nhau và chúng không biến động nhiều theo pha triều. Trong khi đó, hàm lượng trầm tích lơ lửng (SSCs) tương quan với vận tốc dòng chảy và dao động theo pha triều. Trầm tích lơ lửng lắng đọng vào lúc thuỷ triều chuyển trạng thái (từ triều rút sang triều dâng hoặc ngược lại) và được tái hoạt động trở lại khi tốc độ dòng chảy tăng trong pha triều lên và pha triều xuống. Các số liệu khảo sát cho thấy rằng sự tăng của tốc độ dòng chảy trong pha triều lên đã gây ra sự tái lơ lửng của trầm tích đáy và làm tăng hàm lượng trầm tích lơ lửng. Tại các pha triều lên ứng với vận tốc dòng chảy lớn, trầm tích lơ lửng được dịch chuyển nhanh hơn và ngược lại tại pha triều xuống, tốc độ dòng chảy thấp hơn đã làm tốc độ dịch chuyển của trầm tích chậm lại.