Sử dụng thủy sinh thực vật để loại bỏ các chất đạm (N) và lân (P) trong nước thải nuôi trồng thủy sản (NTTS) là biện pháp rẻ tiền, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đất ngập nước (ĐNN) nhân tạo được xem như một trong những công nghệ sinh thái có khả năng ứng dụng cao trong cải thiện chất lượng nước ô nhiễm trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong hệ thống ĐNN, các loài thủy sinh thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ N, P qua cơ chế hấp thu tạo sinh khối. Các loài thực vật có khả năng thích nghi với từng kiểu hình ĐNN khác nhau tùy thuộc vào dạng sống, và có tiềm năng hấp thu N, P khác nhau. Bài báo này được thực hiện nhằm tổng quan các nghiên cứu về khả năng xử lý nước thải NTTS của một số loài thực vật áp dụng trên hệ thống ĐNN nhân tạo, từ đó mở ra các hướng nghiên cứu, sử dụng thực vật cho mục đích xử lý nước thải NTTS theo hướng tiếp cận thân thiện, bền vững trong gia tăng việc tái sử dụng nước thải, giảm phát thải và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.