Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) chi dưới là một bệnh lý tim mạch rất phổ biến, có nhiều biến chứng nguy hiểm như thuyên tắc phổi với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh cũng để lại nhiều di chứng nặng nề như hội chứng hậu huyết khối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Kháng đông vẫn là chiến lược điều trị đầu tay, cơ bản và quan trọng nhất đối với HKTMS, giúp dự phòng hình thành huyết khối, dự phòng biến chứng thuyên tắc phổi cũng như dự phòng tái phát. Tuy nhiên trong những trường hợp có gánh nặng huyết khối lớn, huyết khối lan rộng (chậu đùi, toàn bộ chi dưới, lan rộng đến tĩnh mạch chủ dưới) hay có nguyên nhân tắc nghẽn thực thể (hội chứng May-Thurner, u, hạch tiểu khung chèn ép tĩnh mạch), liệu pháp kháng đông đơn thuần thường không mang lại hiệu quả điều trị đầy đủ, triệu chứng lâm sàng cải thiện chậm, nguy cơ tái phát và diễn tiến thành hội chứng hậu huyết khối cao. Việc loại bỏ một lượng lớn huyết khối đồng thời tái thông dòng chảy tĩnh mạch sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc dự phòng các biến chứng của HKTMS. Ngày nay, các kỹ thuật can thiệp nội mạch đã và đang cho thấy nhiều ưu điểm trong điều trị HKTMS. Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu bao gồm nhiều kỹ thuật khác nhau được tiến hành trong một lần can thiệp, cụ thể là đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới, tiêu sợi huyết tại chỗ qua catheter, lấy huyết khối cơ học qua da và tái thông hồi lưu tĩnh mạch (nong bóng và đặt stent). Can thiệp nội mạch đã được công nhận là an toàn và hiệu quả, giảm nguy cơ diễn tiến nặng, giúp cải thiện nhanh triệu chứng lâm sàng, rút ngắn thời gian nằm viện, giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, ở những bệnh nhân có tắc nghẽn hồi lưu tĩnh mạch, can thiệp nội mạch giúp tái lập lưu thông (recanalization) tĩnh mạch bình thường, bảo tồn chức năng van tĩnh mạch. Mục tiêu của bài này là giới thiệu tổng quan về các kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị HKTMS chi dưới và kinh nghiệm tại Bệnh viện trường Đại học Y-Dược Huế.