Đặt vấn đề: Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên thế giới. Chăm sóc, điều trị cho người bệnh UTP là một quá trình đòi hỏi người bệnh và gia đình có sự kiên trì, niềm tin và nỗ lực rất lớn cả về vật chất và tinh thần.
Mục tiêu: Mô tả chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư phổi sau xạ trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương năm 2020.
Phương pháp: Điều tra cắt ngang. Nghiên cứu thu thập thông tin từ 131 người bệnh UTP tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương thông qua phiếu phỏng vấn sử dụng phối hợp hai bộ câu hỏi EORTC QLQ-C30 và EORTC QLQ-LC13 đã được chuẩn hóa tại Việt Nam. CLCS của NB được đánh giá qua 5 khía cạnh chức năng và các trứng lâm sàng. Số liệu được nhập bằng Epidata 3.1 và phân tích bằng SPSS 18.0.
Kết quả và kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy, CLCS của người bệnh UTP sau xạ trị ở mức trung bình (55,1 điểm). CLCS của NB theo 5 khía cạnh chức năng đạt mức khá, chức năng thể chất (69,5 điểm), chức năng nhận thức (65,6 điểm), chức năng hoạt động (62,5 điểm), chức năng cảm xúc (56,3 điểm) và chức năng xã hội (51,4 điểm). Các triệu chứng thường gặp ở NB UTP sau xạ trị như: triệu chứng rối loạn giấc ngủ (39,8 điểm), triệu chứng mất cảm giác ngon miệng (35,2 điểm), đau (33,2 điểm), mệt mỏi (29,4 điểm), khó thở (25,7 điểm), buồn nôn, táo bón (18,6 điểm) và tiêu chảy (9,2 điểm).