Sau báo cáo trường hợp có thai đầu tiên của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection - ICSI) vào năm 1992, ICSI được xem là cuộc cách mạng trong điều trị những trường hợp tinh trùng ít, yếu và dị dạng nặng. Trong phân tích tổng hợp đa trung tâm cho thấy số chu kỳ ICSI tăng nhanh qua các năm từ 72% (2007) lên 81% (2016) của tổng số các chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Do đó, có thể nói kỹ thuật ICSI đang là một kỹ thuật chính liên quan đến thành công của một chu kỳ ở trung tâm thụ tinh ống nghiệm hiện nay. Chính vì vậy, vai trò của chuyên viên phôi học trong thực hành ICSI rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị của một chu kỳ TTTON. Đặc biệt, yếu tố kinh nghiệm trong thực hành ICSI có liên quan đến tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ làm tổ cao hơn; tỷ lệ thất bại thụ tinh và tỷ lệ không phôi nang thấp. Để đánh giá hiệu quả làm việc của một chuyên viên phôi học, người ta thường dùng một số chỉ số đánh giá chính (Key performance indicators - KPIs) làm thước đo. Chỉ số này xét điểm dựa theo các chỉ số đánh giá kết hợp cân bằng giữa cả labo và lâm sàng bao gồm: tỉ lệ thoái hoá, tỉ lệ 2PN, tỉ lệ phôi hữu dụng, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ làm tổ…