Mục đích: mô tả kết quả phẫu thuật tạo hình bể thận – niệu quản điều trị thận ứ nước bẩm sinh ở trẻ em dựa vào chỉ số PI – APD. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mô tả hồi cứu bệnh nhân được chẩn đoán thận ứ nước bẩm sinh và được phẫu thuật mổ mở theo phương pháp Anderson – Hynes, có đặt ống thông JJ trong mổ và được rút 1 tháng sau, gian đoạn từ 1.2016 đến 12.2018, tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ định mổ khi xạ hình thận DRF ≤ 40%, T/2 > 20 phút bên thận tổn thương. Bệnh nhân được siêu âm đo đường kính trước sau bể thận và được lặp lại tại các thời điểm theo dõi. PI - APD ≥ 38% được định nghĩa thành công. Tỷ lệ thành công, cải thiện đường kính trước sau bể thận được xác định tại các thời điểm 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng sau mổ. Số liệu xử lý bằng phần mềm thống kê y học SPSS 20.0, với p < 0.05 có nghĩa thống kê. Kết quả: có 145 bệnh nhân thận ứ nước 1 bên được phẫu thuật tạo hình bể thận niệu - quản, trong đó có 126 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nghiên cứu. Trong số đó gồm 97 nam (77,0%) và 29 nữ (23,0%), thận ứ nước bên trái 90 chiếm 71,4% và bên phải 36 trường hợp chiếm 28,6%. Đường kính trước sau bể thận cải thiện có ý nghĩa thống kê tại các thời điểm đánh giá kết quả lần lượt là 16,6 ± 10,7 mm, 13,7 ± 8,9 mm, 11,4 ± 7,2 mm. Tương tự với tỷ lệ thành công lần lượt tăng lên ở các thời điểm theo dõi là 73,8%, 86,5%, 89,7%, với p < 0,001. Tỷ lệ thành công không liên quan đến tuổi phẫu thuật và đường kính trước sau bể thận, có ý nghĩa thống kê. Kết luận: tỷ lệ thành công không liên quan đến tuổi phẫu thuật và không liên quan đến mức độ giãn của đường kính trước sau bể thận. Bệnh nhân sau mổ tạo hình bể thận – niệu quản cần được tiếp tục theo dõi đến ít nhất 24 tháng và đạt tỷ lệ thành công cao nhất là 89,7%.