Đặt vấn đề: Phẫu thuật nội soi cố định âm đạo vào mỏm nhô ngày càng phổ biến trong điều trị sa tạng chậu vì có thể cải thiện mức độ sa cũng như chất lượng cuộc sống của người phụ nữ. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Mô tả đặc điểm bệnh nhân sa tạng chậu; (2) Đánh giá kết quả và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sa tạng chậu được phẫu thuật nội soi cố định âm đạo vào mỏm nhô tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến cứu trên 33 trường hợp sa tạng chậu theo hệ thống Pelvic Organ Prolapse-Quantification (POP-Q), được phẫu thuật nội soi cố định âm đạo vào mỏm nhô tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ từ 3/2021 – 3/2022. Đánh giá kết quả theo POP-Q và chất lượng cuộc sống theo Pelvic Floor Distress Impact-20 (PFDI-20) và Pelvic Floor Impact Questionnaire-7 (PFIQ-7) sau 6 tuần và 3 tháng. Kết quả: Tuổi trung bình là 60,8, thời gian phẫu thuật trung bình là 128 phút, lượng máu mất trung bình là 40ml. Biến chứng chảy máu chiếm 3%, lộ mảnh ghép 3% và đau sau xương cùng chiếm 6,1%. Tỉ lệ thành công của phẫu thuật là 93,9%. Điểm Ba, C và Bp giảm từ 2,2, 2,3 và 1,3 còn -2,9, -4,5 và -3,0 sau phẫu thuật. Điểm PFDI-20 cải thiện từ 122 còn 68 và điểm PFIQ-7 từ 134 còn 72 sau phẫu thuật. Kết luận: Phẫu thuật nội soi cố định âm đạo vào mỏm nhô là phẫu thuật an toàn, có tỉ lệ thành công cao, cải thiện được mức độ sa và chất lượng cuộc sống của phụ nữ sa tạng chậu.