Nhận ngày 16 tháng 9 năm 2017 Chỉnh sửa ngày 25 tháng 10 năm 2017; Chấp nhận đăng ngày 04 tháng 12 năm 2017Tóm tắt: Sâm vũ diệp (Panax bipinnatifidius Seem.) là một dược liệu quý và đặc hữu của vùng Tây Bắc. Trong nghiên cứu về thành phần hóa thực vật của rễ sâm vũ diệp, bằng các phương pháp phân lập sắc ký chúng tôi đã tinh chế được 3 hợp chất từ phân đoạn hữu cơ ethyl acetat. Ba hợp chất lần lượt được xác định là β-sitosterol (1), acid oleanolic (2) và daucosterol (3) trên cơ sở phân tích dữ liệu phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR và phổ khối MS. Đây là công bố đầu tiên về phân lập các hợp chất này từ sâm vũ diệp ở nước ta. Từ khóa: Sâm vũ diệp, Panax bipinnatifidius, sterol, acid oleanolic.
Đặt vấn đề Sâm vũ diệp (Panax bipinnatifidus Seem., họ Nhân sâm-Araliaceae), còn gọi là Trúc tiết nhân sâm, Tam thất lá xẻ, Sâm hai lần xẻ hoặc Hoàng liên thất có thân thảo, sống nhiều năm; cao 0,25 -0,7 m; đường kính thân từ 0,3 -0,6 cm. Thân rễ mập, phân nhánh, nằm ngang và thường nổi trên mặt đất; đường kính 1,5 -3,5 cm. Lá kép chân vịt, thường gồm 3 -5 lá chét, mép khía răng cưa. Cụm hoa tán đơn, mọc ở ngọn; cuống cụm hoa 5 -10 cm; cụm hoa có từ 20 -90 hoa; cuống hoa mảnh dài 1 -1,5 cm. Quả hình cầu đến hình cầu dẹt; đường kính 0,6 -1,2 cm; khi chín màu đỏ. Hạt hình cầu hoặc gần cầu, màu xám trắng; vỏ cứng, có rốn hạt Trong tự nhiên, sâm vũ diệp phân bố ở Trung Quốc và dãy núi Hoàng Liên Sơn Tây Bắc nước ta. Gần đây sâm vũ diệp đã được thuần hóa và bước đầu được trồng thử nghiệm ở một số địa phương ở Hà Giang và Lào Cai. Về mặt y học, củ rễ của sâm vũ diệp đã được sử dụng làm thuốc bổ và trong một số bài thuốc truyền thống bởi các dân tộc vùng núi Tây Bắc [2]. Tra cứu tài liệu thấy rằng có rất ít nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học và dược lý để phát triển sử dụng dược liệu quý thuộc chi Sâm (Panax) này.Tiếp theo các nghiên cứu của chúng tôi về thành phần hóa học các cây thuốc, dược liệu tiềm năng của vùng Tây Bắc bao gồm đan sâm [3], tam thất [4], bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về thành phần hóa học của rễ sâm vũ diệp thu hái ở Lào Cai.