Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng xử lý nước thải chăn nuôi heo sau bể biogas từ một cơ sở chăn nuôi hộ gia đình tại tỉnh Bình Dương bằng công nghệ lọc sinh học kết hợp bãi lọc thực vật. Hiệu quả xử lý nước thải được đánh giá thông qua bốn chỉ tiêu chất lượng nước thải: Tổng rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxi sinh hóa (BOD), amoni (NH+4), độ đục. Hiệu quả ghi nhận được tốt nhất qua nghiên cứu tại bể lọc sinh học là: TSS 36,96%, BOD 34,69%, Amoni 36,07% và độ đục 34,77%. Hiệu quả thu được tốt nhất qua nghiên cứu tại bể lọc thực vật là: tại bể lọc thực vật A (wetland A) với BOD 45 %, Amoni 70%, TSS 80%, độ đục 50 % và tại bể lọc thực vật C (wetland C) với BOD là 40 %, Amoni là 50%, TSS là 70%, độ đục là 48 %. Kết quả thực nghiệm cho thấy công nghệ lọc sinh học kết hợp bể lọc thực vật, làm giảm nồng độ chất ô nhiễm BOD, TSS, Amoni... một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này thì sự kết hợp giữa việc xử lý bằng bể lọc sinh học và bể lọc thực vật vẫn chưa đảm bảo nước thải sau xử lý đạt giá trị cho phép xả thải quy định trong QCVN 62-MT: 2016/BTNMT. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự kết hợp giữa bể lọc sinh học và bể lọc thực vật là rất tiềm năng trong việc áp dụng để xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas.