Giới thiệu: Xoang bướm được bao quanh bởi nhiều cấu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng. Lỗ thông xoang bướm (LTXB) là nơi an toàn nhất để đưa dụng cụ phẫu thuật vào trong xoang, tránh tổn thương các cấu trúc lân cận. Đánh giá tương quan vị trí LTXB với các cấu trúc xung quanh là cần thiết cho sự an toàn và hiệu quả của quá trình phẫu thuật nội soi.
Mục tiêu: Khảo sát khoảng cách từ LTXB đến một số mốc giải phẫu xung quanh bằng cắt lớp vi tính (CLVT). Khảo sát sự ảnh hưởng của tế bào sàng bướm, các dạng khí hóa của xoang bướm đến vị trí LTXB. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 162 bệnh nhân được chụp CLVT mũi xoang tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh được tái tạo và đo đạc bằng phần mềm tái tạo đa mặt phẳng của hệ thống PACS Carestream.
Kết quả: Khoảng cách từ LTXB đến thành bên là 9,1 ± 1,8 mm; khoảng cách này ở nhóm khí hóa loại III dài hơn so với loại II, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Khoảng cách từ LTXB đến đường giữa là 4,1 ± 1,8 mm, mức độ khí hóa sang bên không ảnh hưởng đến khoảng cách này (p = 0,68). Khoảng cách từ LTXB đến trần xoang là 7,9 ± 2,9 mm; khoảng cách này ở nhóm có tế bào Onodi ngắn hơn so với nhóm không có, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05); tuy nhiên không có khác biệt về khoảng cách này ở nhóm khí hóa tại yên bướm và sau yên bướm (p = 0,696). Khoảng cách trung bình từ LTXB đến cửa mũi sau là 12,9 ± 3,5 mm, khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa nhóm có và không có tế bào Onodi cũng như giữa nhóm khí hóa tại yên bướm và sau yên bướm (p lần lượt là 0,19 và 0,96). Khoảng cách từ LTXB đến gai mũi trước là 65,2 ± 4,5 mm và đến thành sau xoang bướm là 12,8 ± 2,7 mm. Góc hợp bởi đường thẳng nối LTXB – gai mũi trước và sàn mũi là 33,5 ± 3,5 độ. Kết luận: Nghiên cứu xác định vị trí LTXB so với một số mốc giải phẫu xung quanh, đồng thời khảo sát sự ảnh hưởng của tế bào sàng bướm và các mức độ khí hóa đến vị trí LTXB bằng hình ảnh CT scan, góp phần đưa ra cái nhìn tổng quan về vị LTXB cho các nhà lâm sàng.