Bài báo này đã hệ thống hóa tư liệu điều tra, thám sát và khai quật ở các địa điểm Đá cũ vùng An Khê, tỉnh Gia Lai; xác định đặc trưng cơ bản của kỹ nghệ An Khê với phức hợp kỹ thuật công cụ: Chopper- Choping tool/Mũi nhọn (Piks) hình khối tam diện/Bifaces - Handaxes. Trong đó, chopper-choping chủ yếu ở khu vực châu Á, bifaces - handaxes nổi trội cho Đá cũ phương Tây và công cụ hình khối tam diện là nét riêng cho Đá cũ sớm vùng An Khê (Việt Nam). Kỹ nghệ An Khê khác và cổ hơn các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ hiện biết ở Việt Nam, như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Kỹ nghệ An Khê cũng khác với kỹ nghệ Acheulean điển hình của châu Âu ở kỹ nghệ biface/rìu tay, nhưng có nhiều nét tương đương với kỹ nghệ Bách Sắc ở Quảng Tây (Trung Quốc) về chất liệu, kích thước, loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ. Kỹ nghệ An Khê có niên đại từ 700,000 đến 900,000 BP. Phát hiện kỹ nghệ An Khê đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu mới, làm thay đổi một số nhận thức về lịch sử văn hóa giai đoạn cổ xưa nhất của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là ranh giới phân chia 2 kỹ nghệ biface và chopper (Movius line) ở cựu lục địa, con đường hình thành các kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ Đông Nam Á, tri thức của Người đứng thẳng (Homo erectus) trong quá trình thích ứng với môi trường cụ thể và vấn đề thời điểm mở đầu cho lịch sử Việt Nam.