Nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài cây là điều kiện tiên quyết cần thiết đảm bảo sự thành công trong hoạt động bảo tồn và phát triển loài. Nghiên cứu này nhằm cung cấp thêm các thông tin về đặc điểm sinh học của loài cây Bổ béo đen (Goniothalamus vietnamensis Ban) phân bố trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Các phương pháp điều tra truyền thống đã được sử dụng để phân tích dữ liệu thu thập. Bổ béo đen thường phân bố tập trung trong các khu rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao gỗ tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa gỗ, nơi có khí hậu ẩm mát, độ cao từ 442–490 m và độ dốc dưới 20o. Bổ béo phân bố chủ yếu trên đất feralit màu nâu tím phát triển trên đá mẹ bazan. Mật độ cây Bổ béo đen nơi loài xuất hiện khá cao, dao động từ 347 - 587 cây/ha trong các trạng thái rừng. Tỷ lệ cây Bổ béo đen trong các trạng thái rừng điều tra có chất lượng tốt đạt rất cao trên 50%. Bổ béo đen là dạng cây bụi, rễ cọc, chiều cao cây 2 – 3 m, lá đơn mọc cách, hoa lưỡng tính ở nách lá, quả kép, mỗi quả bao gồm 10 - 20 quả đại riêng lẻ, vỏ quả phủ lông ngắn màu gỉ sắt, mỗi quả chứa 1 hạt, cây thường ra hoa vào tháng 4 - 6. Kết quả của nghiên cứu này góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo tồn và phát triển bền vững loài cây Bổ béo đen trong tương lai, hướng tới việc gây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.