Cơ sở: Bệnh nhược cơ phần lớn là do các tự kháng thể tấn công các thụ thể acetylcholine (AChR), các kháng thể này được cho là bắt nguồn từ các trung tâm mầm trong tuyến ức. Phương pháp: nghiên cứu hồi cứu mô tả 60 người bệnh nhược cơ từ 18 tuổi trở lên, có phẫu thuật cắt tuyến ức và kết quả giải phẫu bệnh tại bệnh viện Đại Học Y Dược Tp.HCM từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 01 năm 2022. Kết quả: 32 người bệnh có u tuyến ức và 28 người bệnh không có u tuyến ức, 41 người bệnh nhược cơ khởi phát sớm và 19 người bệnh nhược cơ khởi phát muộn. 93,4% người bệnh ở phân độ MGFA I, II lúc nhập viện. 100% người bệnh ở phân độ MGFA I, II lúc xuất viện. Nồng độ kháng thể kháng AChR (AChR Ab) không khác biệt giữa nhóm có u tuyến ức và không có u tuyến ức. Trong nhóm có u tuyến ức, theo phân loại mô bệnh học tuyến ức của WHO thì loại AB có tỉ lệ 25%, A là 3,1%, B1 và B2 là 46,8%, B3 là 6,3%. Đối với nhóm không u tuyến ức thì tỉ lệ tăng sản tuyến ức là 35,7%, tồn lưu tuyến ức là 50%. Tỉ lệ chính xác của CT Scan lồng ngực là 84,6%, MRI lồng ngực là 95,2% trong xác định sang thương tuyến ức phù hợp kết quả giải phẫu bệnh. Liều corticoide và pyridostigmin sau 12 tháng phẫu thuật thấp hơn so với lúc xuất viện (lần lượt, p=0,049, p=0,003). Tỉ lệ thuyên giảm triệu chứng sau 6 tháng và 12 tháng phẫu thuật cao hơn so lúc xuất viện (p<0,001). Không có sự khác biệt về kết cục lâm sàng giữa nhóm có u và không có u tuyến ức vào thời điểm 12 tháng sau cắt tuyến ức (p=0,48). Kết luận: Phẫu thuật cắt tuyến ức có thể giúp giảm liều thuốc sử dụng và giảm mức độ nghiêm trọng của người bệnh nhược cơ sau 12 tháng.