Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Bình An, Quảng Nam và tìm hiểu một số yếu tố liên quan.
Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh nhóm chứng. Đối tượng nghiên cứu bao gồm các sản phụ có chỉ định mổ lấy thai tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Bình An, Quảng Nam từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2023. Nhóm bệnh (nhóm I) bao gồm 119 bệnh nhân được chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ lấy thai liều duy nhất Cefazoline 2 g, tiêm tĩnh mạch. Nhóm chứng (nhóm II) bao gồm 142 bệnh nhân sử dụng kháng sinh thường quy sau mổ lấy thai với Ceftriaxone 1 g x 02 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch trong 05 ngày. Qua khám lâm sàng, quá trình mổ lấy thai, theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện để đánh giá và so sánh các biểu hiện nhiễm trùng hậu sản và các yếu tố liên quan giữa 2 nhóm.
Kết quả: Không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về các yếu tố như: nhóm tuổi mẹ, nghề nghiệp, chiều cao, cân nặng, BMI, tiền sử mổ lấy thai, tuổi thai, các dấu hiệu chuyển dạ, thời gian chờ mổ, cân nặng trẻ sơ sinh và các biểu hiện nhiễm trùng hậu phẫu. Nghiên cứu ghi nhận có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm về độ tuổi trung bình (nhóm I và II, lần lượt là 29,5 ± 4,6 và 27,1 ± 4,5 với p < 0,001); thời gian nằm viện (nhóm I và II, lần lượt là 5,36 ± 0,71 ngày và 6,09 ± 1,13 ngày, p < 0,05); địa dư và tình trạng vỡ ối trước mổ.
Kết luận: Khi so sánh kháng sinh dự phòng với nhóm kháng sinh thường quy sau mổ lấy thai tại Bệnh viện Bình An Quảng Nam, kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn hậu sản trong thời gian nằm viện khác nhau không có có ý nghĩa. Nhưng nhóm dùng kháng sinh dự phòng cho kết quả tốt hơn trong việc giảm được chi phí điều trị, giảm số ngày nằm viện có ý nghĩa, giảm được số lần tiêm thuốc và giảm được nhân công điều dưỡng.