Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm ngộ độc cấp ở trẻ nhập khoa Cấp Cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ 01/06/2013-01/06/2023. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả hàng loạt ca. Kết quả: Có 479 trẻ bị ngộ độc trong lô nghiên cứu, tỉ lệ nam/nữ là 1,5:1, tuổi ≤ 5 tuổi chiếm nhiều nhất (42,4%), chủ yếu do vô ý và phần lớn sống tại tỉnh thành khác (72,9%). Đa số bệnh nhân có triệu chứng da niêm hoặc tại chỗ tiếp xúc độc chất (66%). Hội chứng xuất huyết chiếm nhiều nhất (44,2%). Tổn thương các cơ quan ghi nhận (rối loạn điện giải, tổn thương huyết học, tổn thương gan thận, tăng men cơ). Nguyên nhân gây ngộ độc: vết cắn đốt do động vật (62,4%), thuốc và hoá chất (17,5%), ngộ độc thực phẩm (2,5%). Ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng (ngộ độc nấm 33,3%, Botilium 25%, gây methemoglobin (25%). Tỉ lệ sơ cứu tại nhà chiếm tỉ lệ thấp (14%), tỉ lệ sơ cứu sai còn cao (56,7%). Sơ cứu tuyến cơ sở gồm rửa vết thương (55,1%), rửa dạ dày và than hoạt (21,8%), sử dụng antidote (4,7%). Thời gian phát hiện ngộ độc đa số < 1 giờ (85,1%). Tỉ lệ điều trị cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 2 nhiều nhất là cấp cứu hô hấp (7,1%). Tỉ lệ có chỉ định sử dụng antidote 44,5%. Loại antidote là huyết thanh kháng nọc rắn (90,1%), N-Acetylcystein (6,2%), Pralidoxim (1,9%), BAT (1,4%), Xanh methylene (0,5%). Tỉ lệ phải sử dụng điều trị nâng cao 5,8%. Đa số đều được chữa khỏi (97,7%). Đa phần các nguyên nhân về hoá chất gây tỉ lệ tử vong cao (63,6%). Kết luận: Trong nghiên cứu này, ngộ độc chủ yếu trẻ nam, dưới 5 tuổi, đa số do vô ý. Nguyên nhân chủ yếu vết cắn đốt, tỉ lệ sơ cứu sai còn cao. Đa phần các trường hợp tử vong do ngộ độc hoá chất. Cần đẩy mạnh công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, có biện pháp kiểm soát sử dụng thuốc hoá chất, tránh vết cắn đốt tại nhà, khu vực quanh nhà, nên có chương trình giáo dục sơ cứu đúng tại hiện trường.