Hiện nay, trong tính toán khối lượng xúc bốc tại các mỏ than lộ thiên sử dụng ảnh máy bay không người lái UAV, mặt cắt được thành lập từ mô hình số bề mặt DSM, sau đó mới tính toán khối lượng bằng phương pháp mặt cắt theo TCVN 10673:2015. Cách tính toán như vậy không hiệu quả về thời gian, và làm giảm độ chính xác bề mặt thu thập được. Với mục đích khắc phục nhược điểm trên, nghiên cứu này ứng dụng đám mây điểm 3D để tính khối lượng xúc bốc. Để đánh giá độ chính xác của phương pháp, dữ liệu kiểm nghiệm là mô hình địa hình được thiết kế dưới dạng tầng bậc tương đồng với bờ mỏ lộ thiên thực tế để tính toán khối lượng xúc bốc theo phương pháp toán học (TH), mặt cắt song song (MC) và đám mây điểm 3D (PC), kết quả cho thấy độ lệch TH-MC là 0% và TH-PC là 0,03%. Tính toán thực tế khối lượng xúc bốc tại mỏ than Cọc Sáu cho thấy độ lệch MC-PC là 1,3%. Như vậy, tính khối lượng trực tiếp trên mô hình đám mây điểm PC hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của TCVN 10673:2015. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần khẳng định hiệu quả của công nghệ UAV trong thu thập dữ liệu tại các mỏ lộ thiên, đảm bảo các công việc yêu cầu độ chính xác cao.