Thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình phức tạp, ở đó việc áp dụng các biện pháp thích ứng và kết quả của chúng chịu ảnh hưởng bởi cả yếu tố nội tại lẫn ngoại cảnh. Nghiên cứu này nhằm khám phá mối quan hệ giữa các yếu tố tâm lý hành vi, các yếu tố kinh tếxã hội với kết quả thực hiện hành vi thích ứng. Thông qua khảo sát xã hội học và tìm hiểu các tác động của biến đổi khí hậu của 254 hộ canh tác lúa ở tỉnh Hòa Bình, Việt Nam, nghiên cứu đã ứng dụng mô hình mạng Bayes (phương pháp thống kê phi tham số) để xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố hành vi tới kết quả thích ứng. Các kết quả cho thấy 2 yếu tố chính gồm số biện pháp thích ứng được thực hiện với mức độ nhạy cảm là 27,23% và ý định thích ứng với mức độ nhạy cảm là 8,52%. Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tếxã hội như dân tộc, trình độ học vấn, vai trò của lúa trong sinh kế hộ, trạng thái kinh tế hộ và tuổi của chủ hộ cũng tác động đến kết quả thích ứng. Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nhiều giải pháp thích ứng khác nhau và nâng cao nhận thức của người dân về các tiềm năng, lợi ích của thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.Từ khóa: Kết quả thích ứng; Nông nghiệp; Các yếu tố ảnh hưởng; Mạng Bayes.