Mục đích: Vào năm 2018, số trường hợp ho gà ở Việt Nam tăng đáng kể, thực tế, các bệnh viện Nhi phía Nam đã báo cáo nhiều trường hợp ho gà diễn tiến nặng cần nhập cấp cứu. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu xác định những yếu tố liên quan đến ho gà nhập cấp cứu.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang mô tả hồi cứu về trẻ mắc ho gà, được xác định bằng xét nghiệm PCR dịch mũi hầu, được thực hiện trong 12 tháng (1/2018-12/2018) tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Các yếu tố khảo sát bao gồm các đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm liên quan. Mô hình hồi quy logistic được sử dụng để tìm các yếu tố liên quan đến trẻ mắc ho gà nhập cấp cứu.
Kết quả: Tổng số 139 bệnh nhân mắc ho gà, từ 17 ngày tuổi đến 15 tháng tuổi, đã được đưa vào nghiên cứu. Có 15,8% trường hợp là ho gà nhập cấp cứu. Ho gà nhập cấp cứu có thời gian nằm viện kéo dài (16,5 so với 7 ngày) và suy hô hấp phải hỗ trợ bằng oxy liệu pháp kéo dài (12 so với 2 ngày) so nhóm không nhập cấp cứu. Sinh non (OR 7,1; KTC 95%: 1,5-34,3; p 0,015), cơn ngưng thở (OR14,5; KTC 95%:2,5-83,6; p 0,003), tăng bạch cầu máu trên 30×103/µL(OR 10,6; KTC 95%: 2,1-53,8; p 0,005), hình ảnh biến chứng trên X-quang ngực(OR 8,7; KTC 95%: 1,8-42,2; p 0,007) có liên quan đến ho gà cần nhập cấp cứu.
Kết luận:Tỷ lệ bệnh nhân ho gà nhập cấp cứu là 15,8%, đây là nhóm trẻ bệnh nặng, phải hỗ trợ hô hấp và điều trị kéo dài. Các yếu tố: sinh non, cơn ngưng thở, bạch cầu máu tăng và có hình ảnh biến chứng trên X-quang phổi có liên quan đến ho gà nhập cấp cứu và cần theo dõi chặt chẽ trẻ ho gà có các yếu tố này.