Đặt vấn đề: Ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đau là một trong những triệu chứng thường gặp và cần chỉ định opioid dài hạn. Bệnh nhân cần có kiến thức về opioid và tuân thủ điều trị để đạt hiệu quả mong muốn. Mục tiêu: Xây dựng và thẩm định bộ câu hỏi khảo sát kiến thức, thái độ, thực hành sử dụng opioid trên bệnh nhân ung thư điều trị ngoại trú. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành qua 5 giai đoạn: (1) Tổng quan y văn, dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan để xây dựng bộ câu hỏi sơ bộ; (2) Hoàn chỉnh bộ câu hỏi thử nghiệm thông qua góp ý và đánh giá 2 lần của hội đồng chuyên gia; (3) Đánh giá mức độ rõ ràng và dễ hiểu của bộ câu hỏi trên 10 bệnh nhân; (4) Thẩm định tính nhất quán của bộ câu hỏi thông qua khảo sát trên 20 bệnh nhân. Thang đo đạt tính nhất quán khi hệ số Cronbach’s alpha ≥ 0,7. Tính giá trị nội dung (content validity) dựa trên ý kiến đánh giá lần thứ 2 của hội đồng chuyên gia; (5) Hoàn chỉnh bộ câu hỏi. Kết quả: Về mặt nội dung, tất cả câu hỏi đều đạt điểm đánh giá tuyệt đối ở lần 2 bởi Hội đồng chuyên gia. Điểm trung bình đánh giá cho tiêu chí về từ ngữ và ngữ nghĩa là 0,96 ± 0,05. Điểm Cronbach’s alpha của các nội dung trong bộ câu hỏi đều trên 0,7. Kết luận: Bộ câu hỏi khảo sát kiến thức, thái độ, thực hành sử dụng opioid được đánh giá đạt độ tin cậy để tiến hành trên bệnh nhân ung thư đang điều trị opioid ngoại trú.
Mở đầu: Myxococcus sp. là chi quan trọng đảm nhiệm việc sản xuất hơn 20% các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học từ niêm khuẩn (Myxobacteria). Hướng tiếp cận sàng lọc hoạt tính sinh học, từ đó phân đoạn và tinh khiết hợp chất là chiến lược quan trọng trong khám phá các hợp chất thứ cấp tiềm năng. Mục tiêu: (i) Khảo sát hoạt tính chủng GL41 phân lập từ đất; (ii) Định danh chủng GL41; (iii) Khảo sát thành phần môi trường và điều kiện lên men thu dịch chiết thể hiện hoạt tính kháng vi sinh vật cao nhất và (iv) Xác định phân đoạn có hoạt tính. Phương pháp: Đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật bằng phương pháp giếng khuếch tán. Định danh chủng GL41 bằng hình thái, sinh hóa và trình tự 16S rDNA. Khảo sát môi trường và điều kiện lên men chủng niêm khuẩn GL41 dựa trên kết quả xác định MIC bằng phương pháp vi pha loãng. Xác định phân đoạn có hoạt tính bằng kỹ thuật tự sinh đồ. Kết quả: Chủng GL41 thể hiện hoạt tính kháng vi sinh vật ấn tượng với giá trị nồng độ ức chế tối thiểu trên MSSA, MRSA, S. faecalis, nấm men C. albicans và nấm mốc A. niger là 1 µg/mL. Trình tự 16S rDNA tương đồng 99,93% với Myxococcus stipitatus. Khảo sát điều kiện lên men chủng GL41 cho thấy dịch chiết thể hiện hoạt tính kháng vi sinh vật cao nhất trên môi trường VY/3, pH 7,6, nhiệt độ 35oC, thời gian nuôi cấy 10 ngày và bổ sung nhựa hấp phụ vào ngày thứ 4. Hai phân đoạn có hoạt tính (Rf = 0,63 và Rf = 0,72) cho thấy sự hiện diện các hợp chất tiềm năng.
Đặt vấn đề: Đại dịch Covid-19 đã đưa sức khoẻ tinh thần vào danh sách những vấn đề sức khoẻ ưu tiên trên toàn cầu. Tại Việt Nam, làn sóng đại dịch lần thứ tư đã để lại những ảnh hưởng nặng nề đến đời sống – xã hội cũng như sức khoẻ tinh thần của người dân. Tuy nhiên, các nghiên cứu mô tả ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các rối loạn stress, lo âu, trầm cảm sau thời gian dài chịu tác động bởi đại dịch còn hạn chế. Mục tiêu: Xác định tỷ lệ các vấn đề sức khoẻ tinh thần (stress, lo âu, trầm cảm) của người dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang trên 239 người dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đánh giá mức độ stress, lo âu, trầm cảm bằng thang đo DASS-21. Kết quả: Tỷ lệ người dân có các vấn đề sức khoẻ tinh thần theo thang đánh giá DASS-21 lần lượt là stress (10,9%), lo âu (18%), trầm cảm (13%). Kết luận: Kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng sức khoẻ tinh thần của người dân tại xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy việc sàng lọc, triển khai chương trình chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch là cần thiết để tối thiểu tỷ lệ này trong dân số và nâng cao chất lượng sức khoẻ cộng đồng.
Đặt vấn đề: Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến và người bệnh thường tiếp cận nhà thuốc để tự điều trị triệu chứng đau bằng các thuốc giảm đau như nhóm kháng viêm không steroid (NSAID). Mục tiêu: Xây dựng kịch bản bệnh nhân mô phỏng (BNMP) nhằm đánh giá việc thu thập thông tin của dược sĩ tại nhà thuốc cộng đồng để đưa ra quyết định phù hợp về việc sử dụng NSAID trong điều trị triệu chứng thoái hoá khớp. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được thực hiện qua các bước: 1) Xây dựng kịch bản BNMP và bảng kiểm đánh giá thực hành thu thập thông tin của dược sĩ tại nhà thuốc. 2) Thẩm định nội dung 2 lần bởi hội đồng gồm 5 chuyên gia với phiếu đánh giá gồm 55 mục theo 3 mức độ “đồng ý” (tương ứng với 2 điểm), “đồng ý 1 phần” (1 điểm) và “không đồng ý” (0 điểm). Tổng điểm dao động từ 0 đến 110 điểm. Các vấn đề về từ ngữ và ngữ nghĩa cũng được chuyên gia góp ý điều chỉnh. 3) Thử nghiệm trên 12 nhà thuốc ngẫu nhiên trên địa bàn TPHCM để hoàn chỉnh kịch bản và bộ công cụ khảo sát. Kết quả: Điểm trung bình đánh giá về nội dung của hội đồng là 97,4±6,8 ở lần đầu và tăng lên 108,6 ± 3,1 ở lần đánh giá thứ 2 sau khi đã chỉnh sửa kịch bản và bảng kiểm theo góp ý của hội đồng. Kết quả thử nghiệm cho thấy số lượng thuốc trung bình trong một đơn là 4,3±0,8 với 25% số trường hợp được dùng 2 NSAID trong 1 liều. Kết luận: Nghiên cứu đã xây dựng được kịch bản phù hợp với thực tế và đảm bảo nội dung bảng kiểm phù hợp để đánh giá việc dược sĩ thu thập thông tin để ra quyết định sử dụng NSAID trong điều trị triệu chứng thoái hoá khớp tại nhà thuốc. Kết quả này có thể được sử dụng để tiến hành việc khảo sát tình hình sử dụng thuốc trong thực tế ở quy mô lớn hơn.
Mở đầu: Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) và Mạng lưới an toàn chăm sóc sức khỏe quốc gia của Mỹ, Candida spp. được xếp ở vị trí thứ 5 trong các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và đứng thứ 4 trong số các tác nhân gây nhiễm khuẩn máu. Hiện nay, tại Việt Nam, khuynh hướng dịch chuyển này cũng đang xảy ra với tỉ lệ nhiễm cao nhất ở 04 loài Candida albicans, Candida glabrata, Candida parapsilosis và Candida tropicalis. Tuy nhiên, các phương pháp truyền thống phát hiện các loài thuộc chi Candida tuy dễ thực hiện nhưng có nhiều nhược điểm: phụ thuộc vào yếu tố khách quan, tốn nhiều thời gian, dẫn đến chỉ định điều trị không nhanh chóng và kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử có nhiều ưu điểm trong phát hiện, định danh tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Mục tiêu: Nghiên cứu này thực hiện với 2 mục tiêu: (1) Xác định và tối ưu hóa điều kiện multiplex PCR phát hiện 04 nấm C. albicans, C. glabrata, C. tropicalis và C. parapsilosis. (2) Xây dựng quy trình phát hiện đồng thời 04 loài nấm C. albicans, C. glabrata, C. tropicalis và C. parapsilosis bằng phương pháp multiplex PCR. Phương pháp: Các mẫu Candida spp. được thu nhận tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Quân Y 175 từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021. Vi nấm được phát hiện bằng các phương pháp: (1) thử nghiệm tạo ống mầm, (2) phân lập trên môi trường CHROMagar Candida, (3) tối ưu hóa quy trình phát hiện Candida spp. bằng kỹ thuật Multiplex PCR và sử dụng quy trình tối ưu trong phát hiện Candida spp. từ mẫu bệnh phẩm và (4) giải trình tự 5 sản phẩm khuếch đại để kiểm tra tính đặc hiệu. Sau đó, tiến hành so sánh và biện luận kết quả phát hiện Candida spp. bằng 3 phương pháp: thử nghiệm tạo ống mầm, CHROMagar Candida và Multiplex PCR. Kết quả: 40 mẫu bệnh phẩm được phát hiện bằng vào 3 phương pháp: thử nghiệm tạo ống mầm: phát hiện 13 loài C. albicans và 27 loài non-albicans Candida, nuôi cấy môi trường CHROMagar Candida: phát hiện 18 loài C. albicans, 5 loài C. tropicalis, 3 loài C. glabrata và 14 loài non-albicans Candida. Với multiplex PCR: phát hiện 18 loài C. albicans, 7 loài C. tropicalis, 8 loài C. glabrata, 6 loài C. parapsilosis và 1 loài không xác định được. Các thành phần Multiplex PCR phát hiện 4 loài Candida được tối ưu trong 1 ống eppendorf: dung dịch đệm PCR 10 X 2,2 µl; MgSO4 25 mM 0,6 µl; Taq DNA polymerase 5 UI/µl 0,3 µl; dNTP 10 mM 0,5 µl, mồi Falb 5 pmol 0,3 µl; Ralb 5 pmol 0,5 µl; Ftro 5 pmol 0,3 µl; Fpara 5 pmol 0,6 µl; Rpara 5 pmol 0,6 µl; Fgla 5 pmol 0,3 µl; Rgla 5 pmol 0,3 µl; dịch chiết DNA 1 µl; nước khử khoáng vừa đủ 25 µl. Chương trình PCR được tối ưu: giai đoạn biến tính ban đầu 95 oC 5 phút (1 chu kỳ), giai đoạn 2 (40 chu kỳ): biến tính 95 oC 30 giây, gắn mồi 59 oC 30 giây, kéo dài mồi 72 oC 30 giây; giai đoạn kéo dài cuối cùng 72 oC 8 phút (1 chu kỳ).
scite is a Brooklyn-based organization that helps researchers better discover and understand research articles through Smart Citations–citations that display the context of the citation and describe whether the article provides supporting or contrasting evidence. scite is used by students and researchers from around the world and is funded in part by the National Science Foundation and the National Institute on Drug Abuse of the National Institutes of Health.
customersupport@researchsolutions.com
10624 S. Eastern Ave., Ste. A-614
Henderson, NV 89052, USA
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Copyright © 2024 scite LLC. All rights reserved.
Made with 💙 for researchers
Part of the Research Solutions Family.