Mục tiêu: Xác định giá trị ngưỡng cắt ước lượng trọng lượng thai nhi ở mức bách phân vị thứ 3 so với tuổi thai trong chẩn đoán và tiên lượng thai kém phát triển.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 74 sản phụ có tuần thai ≥ 28 tuần được chẩn đoán thai kém phát triển có trọng lượng thai nhỏ hơn bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai, điều trị tại Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế từ 05/2016 đến 05/2017.
Kết quả: Nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi < 3rd tăng tần suất rối loạn tăng huyết áp thai kỳ so với nhóm ước lượng trọng lượng thai nhi từ 3rd – 10th . Thai phụ có thiếu máu, có tiếp xúc hút thuốc lá thụ động sẽ tăng nguy cơ thai có trọng lượng dưới bách phân vị thứ ba lần lượt là 1,18 lần (RR = 1,18, 95% CI (0,58 – 2,38), p = 0.036) và 1,46 ( RR = 1,46, 95% CI 1,24 – 1,71); Nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi < 3rd tăng nguy cơ bất thường động mạch rốn, ống tĩnh mạch so với nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi từ 3rd – 10th với RR lần lượt là 1,61 và 1,58. Nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi < 3rd có MPI cao hơn so với nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi 3rd - 10th ( 0,66 ± 0,30 so với 0,51 ± 0,12). Nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi < 3rd percentile đều tăng nguy cơ kết cục thai kỳ bất lợi so với nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi từ 3rd - 10th percentile, bao gồm tăng nguy cơ chỉ số APGAR < 7 ở phút thứ nhất, tăng nguy cơ chỉ số APGAR < 7 ở phút thứ năm, tăng nguy cơ chết tiền sinh so với nhóm có ước lượng trọng lượng thai nhi từ 3rd – 10th percentile với RR lần lượt là 2,02, 2,25 và 2,31.
Kết luận: Nghiên cứu cho thấy có những biến đối về mặt lâm sàng cũng như kết cục thai kỳ ở ngưỡng cắt ước lượng trọng lượng thai nhi ngang mức bách phân vị thứ 3 sơ với tuổi thai. Điều này sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng có những tư vấn và quản lý thai kỳ nhóm thai có trọng lượng < 10th percentile thích hợp hơn.