Đa dạng hóa thu nhập không những giúp nông hộ tăng thu nhập và nâng cao mức sống mà còn là cơ sở giúp các nhà hoạch định chính sách ra quyết định trong công cuộc giảm nghèo hướng đến phát triển bền vững. Trong nghiên cứu này mô hình hồi quy đa biến với phương pháp bình phương bé nhất (OLS) được sử dụng nhằm mục tiêu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa thu nhập của nông hộ tại xã Tà Nung, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 349 hộ tại xã Tà Nung. Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập bình quân đầu người trên hộ ở nhóm hộ Kinh là 72,161 triệu đồng/năm với mức độ đa dạng hóa thu nhập SID là 0,26. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người trên hộ ở nhóm hộ dân tộc thiểu số còn thấp (35,551 triệu đồng/năm) và mức độ đa dạng hóa thu nhập cũng rất thấp với SID là 0,31. Bên cạnh đó, kết quả của mô hình hồi quy cũng chỉ ra biến như trình độ học vấn, diện tích đất nông nghiệp, số lượng lao động, quy mô hộ, thu nhập từ nông nghiệp, dân tộc và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng đến khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ, trong đó biến trình độ học vấn và số lượng lao động có tác động mạnh đến mức độ đa dạng hóa thu nhập của nông hộ tại xã Tà Nung, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.