Tóm tắt: Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc mất ổn định bờ sông dẫn đến sạt lở xảy ra nhiều nơi với nhiều nguyên nhân khác nhau, riêng ở bờ kè sông Cổ Chiên, đoạn qua phường 1 TP. Vĩnh Long mất ổn định do hình thái sông cong, dòng chủ lưu áp sát bờ. Nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá địa chất, lưu tốc dòng chảy, hình thái lòng sông, bình đồ lòng sông từ đó xác định các nguyên nhân gây mất ổn định bờ sông và đề xuất giải pháp công trình bảo vệ. Nghiên cứu đã kết hợp sử dụng các phương pháp điều tra khảo sát, phương pháp thống kê và mô hình toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy những nguyên nhân chủ yếu gây mất ổn định bờ sông là do dòng chủ lưu áp sát bờ, tỷ lệ phân lưu dòng chảy và suy giảm bùn cát từ thượng nguồn gây nên xói chân kè. Từ đó nghiên cứu đưa ra giải pháp công trình khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở khẩn cấp để bảo vệ khu vực nghiên cứu.Từ khóa: Dòng chủ lưu áp sát bờ sông; Ổn định bờ sông Cổ Chiên; Phân lưu dòng chảy; Sạt lở bờ kè.
Giới thiệuTrên thế giới, chỉnh trị sông, xây dựng các công trình ổn định dòng sông, bờ sông được quan tâm từ rất sớm, đặc biệt là các nền văn minh ở các sông lớn như sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, sông Rhine, sông Mississippi, sông Volga. Nhằm bảo vệ bờ sông không bị sạt lở, thường ứng dụng giải pháp bảo vệ trực tiếp như: kè gia cố bờ và bảo vệ gián tiếp ( hướng dòng chảy không tác động trực tiếp vào bờ) như: kè mỏ hàn, đập khóa, đập dọc... Hình 1. Kè mỏ hàn trên sông Waar, Hà Lan [1].Gần đây, các giải pháp trồng cây, mỏ hàn ngầm giảm sóng dòng chảy, tạo bãi, nuôi bãi, mỏ hàn mềm. Các giải pháp bảo vệ bờ mang tính bị động, bằng cách gia cố bờ sông, bờ biển bằng đá đổ, thảm đá, tấm bê tông, thảm bê tông,...