Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật u hậu nhãn cầu. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu cắt ngang, hồi cứu và tiến cứu, gồm 30 bệnh nhân u hậu nhãn cầu được chẩn đoán, điều trị phẫu thuật tại khoa Ngoại Thần Kinh - bệnh viện K từ 01/2017 đến 06/2021. Kết quả: Tỷ lệ nam/nữ là 1,14/1; tuổi trung bình là 37,8 ± 22,6 (4 – 71 tuổi). Triệu chứng lâm sàng thường hay gặp nhất là lồi mắt (90%), đau mắt (86,7%), giảm thị lực (76,7%). Khối u lành tính (43,4%), u ác tính (56,7%); trong đó hay gặp nhất là u màng não (23,3%), sarcoma cơ vân thể bào thai (13,3%), carcinoma không sừng hóa xâm nhập (10%). Kết quả lấy toàn bộ u và gần toàn bộ là 46,7% và 33,3%. Không có trường hợp nào tử vong, chảy máu do phẫu thuật. Kết quả khám lại hiện tại: Có 8/30 (26,7%) bệnh nhân tử vong, trung bình 9,0±4,3 tháng, các loại giải phẫu bệnh (Carcinom không sừng hóa xâm nhập; Sarcoma (cơ vân thể hốc, xương, cơ vân thể bào thai, sụn trung mô, xơ bì lồi); Carcinom biểu bì nhày độ cao). U tiến triển, tái phát: có 6/30 (20%), trung bình 9,0 ± 4,3 tháng, các loại giải phẫu bệnh (Hemangiopericytome malin độ III, Sarcoma (cơ vân thể hốc, xương, cơ vân thể bào thai, xơ bì lồi), Carcinom không sừng hóa xâm nhập). Còn u tồn dư, u lành tính, không tiến triển: có 9/30 (30%), trung bình 15,67 ± 12,7 tháng, các loại giải phẫu bệnh (u màng não, loạn sản xơ xương, u mạch thể tĩnh mạch, giả u – viêm mạn). Không còn u, u lành tính: có 4/30 (13,3%), trung bình 19,25 ± 8,9 tháng, các loại giải phẫu bệnh (Swhannoma, u màng não). Kết luận: Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán và điều trị các u hậu nhãn cầu. Tỉ lệ lấy toàn bộ u và gần toàn bộ là 46,7% và 33,3%, tỉ lệ biến chứng sau mổ thấp (Có 4 ca chiếm 13,33% trường hợp nhiễm trùng tại chỗ hốc mắt. Không có biến chứng chảy máu nội nhãn hay máu tụ nội sọ, rò dịch não tủy, tràn khí).