Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam, *ktquynhhoa@ibt.ac.vn TÓM TẮT: Việc tìm kiếm vi sinh vật (VSV) tạo các chất hoạt hóa bề mặt sinh học (CHHBMSH) giúp tăng cường khả năng phân hủy dầu đang được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm bởi các ưu điểm vượt trội so với chất hoạt hóa bề mặt hóa học như khả năng tự phân hủy, không gây độc với môi trường, có thể duy trì hoạt tính ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt (nhiệt độ, pH, độ muối…). Từ các chủng nấm men phân lập được tại các giếng khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ, Vũng Tàu, chúng tôi đã chọn lọc được chủng 1214-BK14 có khả năng sử dụng dầu thô như nguồn carbon duy nhất và tạo CHHBMSH cao. Theo phân loại bằng kít chuẩn sinh hóa API 20C AUX, chủng 1214-BK14 thuộc loài Candida tropicalis với độ tương đồng 99%. Hiệu quả tạo CHHBMSH của chủng 1214-BK14 tăng với chỉ số nhũ hóa E 24 từ 57% lên 71% khi được nuôi cấy ở các điều kiện phù hợp: pH6, 37 o C, nồng độ dầu thô và (NH 4 ) 2 SO 4 lần lượt là 4% và 0,45% (w/v). Kết quả phân tích GC/MS cho thấy, khả năng phân hủy dầu thô tổng số và các n-alkan từ C 10 đến C 43 của chủng 1214-BK14 đạt lần lượt là 83,37% và 74,54-97,46%. Kết quả nghiên cứu minh chứng tiềm năng ứng dụng của chủng nấm men Candida tropicalis 1214-BK14 trong việc phân hủy dầu ô nhiễm cũng như nâng cao hiệu suất khai thác dầu.Từ khóa: Chất hoạt hóa bề mặt sinh học, chỉ số nhũ hóa (E 24 ), nấm men, phân hủy dầu thô
MỞ ĐẦUHiện nay, ô nhiễm môi trường do dầu thô (thành phần chủ yếu là hydrocabon) gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và con người. Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm dầu thô là do hoạt động khai thác và vận chuyển dầu. Trong số các phương pháp xử lý dầu ô nhiễm, phương pháp phân hủy dầu thô bằng VSV đang được quan tâm nghiên cứu bởi các ưu điểm như xử lý triệt để, giá thành thấp, không gây ô nhiễm thứ cấp và thân thiện với môi trường.Việc phân hủy hydrocacbon (HC) dầu mỏ của VSV có thể xảy ra theo hai hướng: (1) Vi sinh vật hấp thụ HC bằng cách tương tác trực tiếp giữa tế bào và giọt dầu; hoặc (2) tạo CHHBMSH để đưa hợp chất HC không tan về dạng nhũ tương giúp VSV dễ dàng tiếp xúc, sau đó sử dụng các enzyme trong tế bào để phân hủy [7]. Do đó, CHHBMSH đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý dầu của VSV. Chất hoạt hóa bề mặt sinh học là hợp chất có chứa cả nhóm chức ưa nước và ưa dầu trong cùng một phân tử do VSV như vi khuẩn, nấm men và nấm mốc tạo ra. Với đặc tính như hoạt động bề mặt, nhũ tương hóa, tạo bọt, chúng có thể tập trung lại, tác động tương hỗ lẫn nhau làm giảm sức căng bề mặt giữa pha dầu và nước, giúp VSV dễ tiếp xúc với các phân tử dầu và dễ dàng phân hủy dầu. Hơn nữa, CHHBMSH còn có thể duy trì hoạt tính khi thay đổi nhiệt độ, pH, NaCl, Ca 2+ và Mg 2+ trong các điều kiện khắc nghiệt. Vì vậy, CHHBMSH tạo ra được ứng dụng trong ngành công nghiệp dầu khí như làm sạch bồn chứa dầu, thu hồi cặn dầu, nâng cao hiệu suất khai thác dầu [4,8].Trên thế giới đã có những công bố về khả năng tạo CHHBMSH của vi khuẩn với nguồn cơ chất dầu thô như Bacillus, Pseudomonas, Acinetobacter, Corybacterium, Rhodoccocus.... ...