Đặt vấn đề: Bệnh Parkinson được biết đến với các nhóm triệu chứng về rối loạn vận động và ngoài vận động gây tàn phế và ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng sống của bệnh nhân. Việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của bệnh và tác dụng phụ của thuốc lên bệnh nhân. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả các triệu chứng lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị của levodopa kết hợp pramipexole trên bệnh nhân Parkinson. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 61 bệnh nhân Parkinson đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong thời gian từ 3/2021 đến 5/2022 được đánh giá các triệu chứng vận động, ngoài vận động, thang điểm UPDRS và thang điểm PDQ-39 lúc chưa điều trị và sau khi điều trị bằng levodopa kết hợp pramipexole. Kết quả: Tuổi trung bình mắc bệnh là 65±5,15. Điểm UPDRS lúc nhập viện 26,6±12,36, điểm PDQ-39 lúc nhập viện 50,8±16,2. Các triệu chứng vận động chủ yếu là chậm vận động (96,72%), cứng cơ, bánh xe răng cưa (96,72%) và run khi nghỉ (95,08%). Các triệu chứng ngoài vận động chủ yếu là đau, rối loạn cảm giác (93,44%), rối loạn thần kinh tự chủ (93,44%). Liệu pháp phối hợp levodopa và pramipexole giúp cải thiện điểm UPDRS phần I, II và III và điểm PDQ-39 có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Kết luận: Điều trị bằng levodopa kết hợp pramipexole giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson biểu hiện thông qua sự cải thiện điểm UPDRS và điểm PDQ-39.