Nghiên cứu đánh giá khả năng cung cấp của nguồn nước tự nhiên so với nhu cầu sử dụng nước của người dân trong canh tác hành tím và tôm thẻ chân trắng tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp phỏng vấn cấu trúc và tính toán nhanh được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy ở mô hình canh tác hành tím, nước dưới đất là nguồn nước chính được sử dụng với nhu cầu ở mức cao (42,4 triệu m 3 /năm -44,2 triệu m 3 /năm, giai đoạn 2019-2020). Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt chỉ mang tính chất cục bộ do nhu cầu nước vượt mức khai thác an toàn nhưng vẫn nằm trong mức khai thác tiềm năng của nguồn nước dưới đất tại địa phương. Với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nguồn nước mặt là nguồn chính được sử dụng kết hợp với nước dưới đất là nguồn bổ trợ. Hiện tại, nguồn nước mặt vẫn đáp ứng đủ và đạt nhu cầu của người dân. Mặc dù độ mặn có tăng cao ở một số thời điểm (2020) nhưng chưa ảnh hưởng đáng kể đến nhu sử dụng nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, dưới tình trạng nắng nóng kéo dài có thể làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước dưới đất (do nước mặt bị nhiễm mặn với độ mặn cao), từ đó thể góp phần gây suy giảm nguồn nước dưới đất trong tương lai.Từ khóa: Canh tác hành tím; Khả năng cung cấp nước; Nuôi tôm thẻ chân trắng; Vĩnh Châu.