Trẻ sinh ra nhỏ so với tuổi thai (SGA) là trẻ có cân nặng khi sinh và/hoặc chiều dài khi sinh thấp hơn ít nhất 2 độ lệch chuẩn so với mức trung bình của quần thể cùng tuổi, giới và chủng tộc. Khoảng 10-15% trẻ SGA không bắt kịp đà tăng trưởng lúc 2 tuổi và điều trị bằng hormone tăng trưởng (GH) có hiệu quả, an toàn trong việc cải thiện chiều cao ở trẻ SGA. Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị hormone tăng trưởng tái tổ hợp trên trẻ chậm phát triển chiều cao do nhỏ so với tuổi thai tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2021. Đối tượng: gồm 43 trẻ được chẩn đoán chậm phát triển chiều cao do SGA không bắt kịp đà tăng trưởng khi 2 tuổi, được điều trị GH ít nhất 12 tháng. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả một loạt ca bệnh vừa hồi cứu vừa tiến cứu. Trẻ được thăm khám lâm sàng, đánh giá các chỉ số cân nặng, chiều cao sau 1 năm, sau 2 năm, 3 năm, 4 năm điều trị GH. Kết quả: 43 trẻ được điều trị GH ở độ tuổi trung bình 5,9 ± 3,0 tuổi. Chiều cao cải thiện qua các năm điều trị với chỉ số Z-score tăng chiều cao từ 2,32 ± 1,30 (năm đầu điều trị), 2,38 ± 0,5 (năm thứ 2), 1,91 ± 0,35 (năm thứ 3) và 1,86 ± 0,35 (năm thứ 4). Tốc độ tăng chiều cao tốt nhất ở nhóm 2-4 tuổi (1,2 ± 0,98 SD) so với nhóm 5-8 tuổi (0,77±0,91 SD) và 9-16 tuổi (-0,7±1,48 SD) với p < 0,05. Chỉ số Z-score cân nặng cải thiện dần qua các năm, từ -3,39 SD (trước điều trị), đến -2,84 SD (sau 1 năm), -2,61 SD (sau 2 năm), -2,41 SD (sau 3 năm) và -2,42 SD (sau 4 năm). Kết luận: Điều trị GH cho trẻ SGA có tác dụng cải thiện chiều cao tốt nhất sau năm đầu, có thể bắt kịp tăng trưởng, đạt được chiều cao bình thường theo tuổi sau 4 năm. Trẻ SGA được điều trị càng sớm thì tốc độ tăng chiều cao sau điều trị càng nhanh.