TÓM TẮT: Hiện nay, cúm gia cầm A/H5N1 vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt sự xuất hiện của các clade mới thời gian gần đây với tính độc lực cao hơn, có khả năng kháng lại các vaccine được phát triển từ các clade lưu hành trước đó. Với mục đích tạo vaccine phòng cúm A/H5N1 bằng công nghệ tạo hạt giả virus (virus-like particles, VLPs), trong nghiên cứu này chúng tôi tạo baculovirus tái tổ hợp biểu hiện kháng nguyên bề mặt Hemagglutinin (HA) từ chủng virus cúm A/H5N1 clade 2.3.2.1b phân lập tại Quảng Ngãi (DkQN37/11), chủng virus kháng lại vaccine cúm NIBRG14 (clade 1) hiện đang được sử dụng tại Việt Nam. Gene mã hóa HA được khuếch đại bằng PCR với cặp mồi đặc hiệu có gắn thêm trình tự Kozak, mã khởi đầu và vị trí nhận biết BamHI ở đầu 5' của mồi xuôi và trình tự nhận biết của HindIII ở đầu 5' của mồi ngược. Sản phẩm PCR được tách dòng vào vector pCR ® 2.1 và xác định trình tự, sau đó được gắn vào vector trung gian baculovirus pBluBac4.5/V5-His-TOPO (Invitrogen) tại vị trí BamHI và HindIII, nằm xen giữa gene lacZ và ORF1629 tạo plasmid tái tổ hợp pBluBacHA. Vector pBluBacHA sau đó được đồng chuyển nạp cùng với DNA của baculovirus vào tế bào loài sâu khoang, Spodoptera frugiperda (Sf9) để tạo baculovirus tái tổ hợp. Sự có mặt của gene ha và sự biểu hiện của protein HA trong virus tái tổ hợp được kiểm tra bằng PCR và Western blot sử dụng kháng thể kháng HA. Kết quả PCR và Western blot đều kháng định chúng tôi đã tạo thành công baculovirus tái tổ hợp biểu hiện kháng nguyên bề mặt của virus cúm A/H5N1 clade 2.3.2.1b. Đây là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm phát triển vaccine VLP cúm A/H5N1 ở Việt Nam.Từ khóa: Baculovirus, hemagglutinin, pBluBac4.5/V5-His-TOPO, virus cúm A/H5N1.
MỞ ĐẦUVirus cúm H5N1 thuộc type A, họ Orthomyxoviridae, là chủng độc lực cao gây tỷ lệ tử vong trên 50% gia cầm và người bị nhiễm theo thống kê của Fedson (2005) và WHO (2011) [4,13]. Để ngăn chặn sự lan truyền của virus cúm và những thiệt hại do virus cúm gây ra, theo New et al. (2006) [10] phương pháp hiệu quả nhất là dùng vaccine gây miễn dịch phòng virus.Vaccine cúm hiện đang được sử dụng bao gồm vaccine dưới đơn vị (subunit), vaccine nhược độc và vaccine bất hoạt. Ước tính, với công nghệ sản xuất vaccine cúm hiện nay, hàng năm khoảng 300 triệu liều vaccine được tạo ra. Như vậy, trong trường hợp đại dịch xảy ra sẽ không cung cấp đủ lượng vaccine cần thiết. Ngoài ra, các vaccine này cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định được chứng minh bởi nghiên cứu của Glarza et al. (2005) [5]: vaccine nhược độc tạo được đáp ứng miễn dịch dài hạn nhưng có nguy cơ virus trở lại virus độc lực "lại độc" cho chính những người tiêm vaccine; vaccine dưới đơn vị có độ an toàn cao nhưng tính sinh miễn dịch thấp, thường đòi hỏi liều kháng nguyên cao, cần phải tiêm lặp lại thường xuyên và kết hợp với các chất bổ trợ khác, bên cạnh đó việc tổng hợp các protein tái tổ hợp có tính sinh miễn dịch giống với protein tự nhiên cũng rất khó khăn.Có nhiều hướng đi mới trong công nghệ sản xuất vaccine để tăng cường độ an toàn, hiệu lực ...