Bài báo này trình bày những nghiên cứu cải tiến phương pháp cảnh báo sét theo tổ hợp đa nguồn số liệu ở một số khu vực tại tỉnh Quàng Nam, thu thập trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017. Phương pháp cảnh báo sét theo số liệu điện trường, số liệu ảnh mây và số liệu định vị sét cho khu vực bán kính 8 km xung quanh trạm tại Hội An, Hiệp Đức, Đại Lộc, xác định được ngưỡng điện trường cảnh báo sét tối ưu hóa qua hai chỉ số EFAI và EFDI từ các chỉ số thống kê POD, FAR và CSI. Phương pháp cảnh báo sét theo số liệu thiết bị cảnh báo sét, số liệu ảnh mây và số liệu định vị sét cho khu vực Tam Kỳ. Những kết quả nghiên cứu cho thấy: với nguồn số liệu độc lập, áp dụng cảnh báo sét cho một số khu vực tại Quảng Nam (Hội An, Hiệp Đức, Đại Lộc) xác định được thời gian cảnh báo sét trung bình đạt 22,45 phút, tỷ lệ cảnh báo sét đúng đạt 82,56%. Thử nghiệm cảnh báo sét theo số liệu thiết bị Strike Guard, số liệu vệ tinh, số liệu định vị sét tại Tam Kỳ, xác định được thời gian cảnh báo sét trung bình là 18,0 phút. Những kết quả cho thấy có thể sử dụng các phương pháp cảnh báo sét đã xây dựng cho các khu vực nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch tại tỉnh Quảng Nam.