Mục đích của nghiên cứu nhằm phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có hoạt tính cố định đạm và hòa tan lân trên môi trường Luria Bertani (LB) có bổ sung muối NaCl 4 ‰ từ các mẫu đất vùng rễ trồng xoài bị nhiễm mặn ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả đã tuyển chọn được 23 dòng vi khuẩn chịu mặn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có hai dòng vi khuẩn có hoạt tính cố định đạm cao hơn những dòng còn lại là X4.1 và X1.1 với nồng độ NH4+ lần lượt là 3,42 mg/L và 3,29 mg/L sau sáu ngày nuôi cấy. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có hai dòng vi khuẩn có hoạt tính hòa tan lân cao hơn những dòng khác là X7.1 và X6.1 với chỉ số hòa tan lân (SI) lần lượt là 8,8 và 5,3 sau sáu ngày nuôi cấy. Sau 15 ngày nuôi cấy, hai dòng vi khuẩn X4.1 và X8.2 cho kết quả về chiều dài rễ và chiều cao thân tốt nhất sau khi bổ sung vào hạt lúa trồng trong ống nghiệm. Dựa vào sự tương đồng về trình tự gen 16S-rRNA, hai dòng vi khuẩn có hoạt tính cố định đạm cao được định danh lần lượt là Pantoea sp. X4.1 và Bacillus subtilis X8.2.