Mục tiêu: Đánh giá kết quả sử dụng các vạt da trán có cuống mạch nuôi trong điều trị tổn khuyết phần mềm mũi. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu kết hợp tiến cứu 48 bệnh nhân có tổn thương khuyết mũi do các nguyên nhân khác nhau được phẫu thuật tạo hình sử dụng vạt trán có cuống tại Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 2014 - 2020. Kết quả: Vị trí tổn thương hay gặp nhất là cánh mũi chiếm tỷ lệ 38,8% và ít gặp nhất là trụ mũi 13,4%. Khuyết da - tổ chức dưới da chiếm tỷ lệ 4,5%, khuyết toàn bộ các lớp của mũi chiếm tỷ lệ 52,3%. Hầu hết bệnh viện có kích thước tổn thương lớn ≥ 2cm2 chiếm tỷ lệ 81,2%. Vạt da sống hoàn toàn gặp ở 89,6%, mức độ che phủ đủ theo đơn vị chiếm tỷ lệ 64,6%. Vết mổ liền kỳ đầu ở 85,4%. Tỷ lệ bệnh nhân không gặp biến chứng chiếm 83,3%. Biến dạng thứ phát ảnh hưởng nặng nề đến chức năng chỉ chiếm tỷ lệ 6,3%. Sau khi cắt chỉ, đa số bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có kết quả tốt, chiếm tỷ lệ 66,7%, kết quả khá chiếm 22,9%, mức độ kém chiếm 6,3%. Kết luận: Vạt da trán có cuống là chất liệu tạo hình khuyết phần mềm mũi thích hợp, hiệu quả cao.