Đặt vấn đề: Ho ra máu là cấp cứu thường gặp ở nhiều bệnh hô hấp và tim mạch, gây tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, can thiệp nội mạch là một kỹ thuật dùng trong chẩn đoán và điều trị ho ra máu. Tuy nhiên, kết quả điều trị có thể khác nhau phụ thuộc vào lâm sàng, cận lâm sàng và các yếu tố kỹ thuật khác. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh nhân ho ra máu và đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân ho ra máu bằng phương pháp can thiệp nội mạch mạch máu số hóa xóa nền tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu thực hiện trên 33 bệnh nhân được chẩn đoán và tiến hành thủ thuật can thiệp nội mạch mạch máu số hóa xóa nền để điều trị ho ra máu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ tháng 4/2022 đến tháng 4/2023. Kết quả: Tiền sử bệnh nền cao nhất là lao phổi chiếm 48,5%. Triệu chứng kèm theo nhiều nhất là ran phổi (66,7%), khó thở (33,3%). Biến chứng suy hô hấp chiếm 15,2%. 87,9% ghi nhận bất thường X quang ngực. 93,9% tổn thương đặc hiệu trên cắt lớp vi tính ngực. 100% có thay đổi hình dạng động mạch phế quản, động mạch chính gây ho ra máu là động mạch phế quản phải chiếm 69,7%. 97% bệnh nhân được điều trị thành công, 3% (1 bệnh nhân) tái phát sớm. Biến chứng sau can thiệp mạch máu số hóa xóa nền bao gồm đau ngực (24,2%). Nguyên nhân ho ra máu thường gặp nhất là giãn phế quản chiếm 39,4%. Kết luận: Can thiệp nội mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật hiệu quả cao và an toàn trong điều trị ho ra máu.