Đặt vấn đề: Tiền sản giật là một rối loạn liên quan đến thai kỳ đặc trưng bởi tình trạng tăng huyết áp, đạm niệu và phù. Cystatin C huyết thanh là một dấu hiệu mới để phát hiện sớm tổn thương thận trong bệnh lý tiền sản giật. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định giá trị trung bình các chỉ số chức năng thận và đánh giá sự tương quan giữa nồng độ cystatin C huyết thanh và creatinin huyết thanh với một số yếu tố ở thai phụ tiền sản giật tại Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có đối chứng, nghiên cứu trên 2 nhóm thai phụ: Nhóm thai phụ tiền sản giật và nhóm thai phụ khỏe mạnh đến sinh con hoặc nhập viện điều trị bệnh lý tiền sản giật-sản giật tại Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ năm 2021-2022. Kết quả: Trung bình tuổi mẹ của nhóm thai phụ khỏe mạnh và tiền sản giật lần lượt là 31,3±6,4; 33,5±6,4 tuổi (p>0,05), tuổi thai của nhóm khỏe mạnh và nhóm tiền sản giật 37,0; 37,1 tuần (p>0,05). Đặc điểm chức năng thận ở 2 nhóm thai phụ khỏe mạnh và tiền sản giật lần lượt: Urê huyết thanh 3,0; 3,0mmol/L (p>0,05), creatinin huyết thanh 50,7±8,9; 54,5±11,4µmol/L (p>0,05), cystatin C huyết thanh 0,85; 1,4mg/L (p<0,01), đạm niệu 24 giờ 221,3±35,3; 799,5mg/24giờ (p<0,01), độ thanh lọc creatinin 24 giờ của nhóm khỏe mạnh và nhóm tiền sản giật 153,0; 162,5±62,0mL/phút (p>0,05). Sự tương quan giữa creatinin huyết thanh, cystatin C huyết thanh với độ thanh lọc creatinin 24 giờ ở nhóm thai phụ tiền sản giật lần lượt là r1=-0,45 (p<0,01); r2=-0,34 (p<0,05). Kết luận: Cystatin C huyết thanh là một dấu hiện gợi ý phát hiện tổn thương thận sớm hơn so với creatinin huyết thanh ở thai phụ tiền sản giật.