Mục tiêu: Mô tả một số yếu tố liên quan tới kiến thức, thực hành của người cao tuổi mắc đái tháo đường týp 2 về việc tiêm Insulin tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2023.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 250 người bệnh là người cao tuổi (từ trên 60 tuổi) được chẩn đoán đái tháo đường týp 2 và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Mức độ kiến thức, thực hành tự tiêm Insulin được đánh giá dựa trên bộ công cụ tham khảo thang đo ITQ-2015.
Kết quả: Kiến thức ở mức đạt cao hơn ở các nhóm đối tượng sử dụng bơm tiêm/cả bơm tiêm và bút tiêm (OR=3,34; 95%CI: 1,45-7,73); tiêm Insulin trên 1 lần/ngày (OR=2,26; 95%CI: 1,09-4,70), được nhân viên y tế tư vấn lần cuối dưới 6 tháng (OR=3,50; 95%CI: 1,59-7,69). Tỷ lệ đạt về thực hành tiêm Insulin cao hơn ở nhóm người cao tuổi có trình độ học vấn trên trung học phổ thông (THPT) (OR=1,97; 95%CI: 1,11-3,51), có tiền sử biến chứng ĐTĐ (OR=2,11; 95%CI: 1,19-3,73); sử dụng bơm tiêm/cả hai (OR=2,63; 95%CI: 1,17-5,87); được cả điều dưỡng và bác sỹ hướng dẫn tiêm (OR=2,15; 95%CI: 1,22-3,80); và nhóm người bệnh có kiến thức ở mức đạt (OR=3,37; 95%CI: 1,74-6,52).
Kết luận: Kiến thức, thực hành tiêm Insulin của người cao tuổi ở Bệnh viện Lão Khoa Trung ương ở mức thấp. Các yếu tố liên quan đến kiến thức và thực hành của người cao tuổi bao gồm: Trình độ học vấn, biến chứng ĐTĐ, dụng cụ tiêm Insulin, đối tượng hướng dẫn tiêm insulin, kiến thức về tiêm insulin và tiền sử biến chứng ĐTĐ. Để nâng cao kiến thức, thực hành của người cao tuổi cần tập trung tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành tiêm Insulin cho người bệnh cao tuổi.